Nhằm bảo vệ quyền lợi cho cổ đông thiểu số, Luật Doanh nghiệp trước đây có quy định liên quan đến hình thức bầu dồn phiếu. Tuy nhiên, đến năm 2014 Luật Doanh nghiệp đã chính thức bỏ quy định trên. Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã đưa ra các nhận định pháp lý liên quan đến vấn đề này thông qua việc trả lời những câu hỏi được đặt ra trong bài phỏng vấn dưới đây.
1/ Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bỏ việc bắt buộc phải bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát theo phương thức dồn phiếu. Cá nhân ông đánh giá quy định này như thế nào?
Trả lời:
Đặc điểm quan trọng nhất trong cơ chế bầu dồn phiếu là kết quả trúng cử được lấy theo số phiếu bầu từ cao đến thấp, tức là người trúng cử có thể đạt trên 100%, hoặc có thể chỉ cần một vài phần trăm phiếu bầu, mà không bắt buộc phải đạt một tỷ bắt buộc trong giới hạn 51 – 100% như đối với việc bầu cử thông thường.
Nếu doanh nghiệp bỏ phương thức bầu cử này, mà chuyển sang phương thức bầu cử thông thường, thì nhóm cổ đông thiểu số gần như không có cơ hội bầu đại diện của mình vào cơ quan quản trị và kiểm soát doanh nghiệp.
2/ Qua hơn 3 năm thực hiện, ông có đánh giá như thế nào về hình những lợi ích cũng như hạn chế của hình thức này?
Trả lời:
Khoản 3 Điều 144 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định:
“Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác, việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, theo đó mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tổng số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát và cổ đông có quyền dồn hết hoặc một phần tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên. Người trúng cử thành viên Hội đồng quản trị hoặc Kiểm soát viên được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất cho đến khi đủ số thành viên quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp có từ 02 ứng cử viên trở lên đạt cùng số phiếu bầu như nhau cho thành viên cuối cùng của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát thì sẽ tiến hành bầu lại trong số các ứng cử viên có số phiếu bầu ngang nhau hoặc lựa chọn theo tiêu chí quy chế bầu cử hoặc Điều lệ công ty”.
Mục đích cơ bản của việc bầu dồn phiếu chính là tăng cường sự hiện diện của các cổ đông thiểu số trong HĐQT và BKS của công ty cổ phần, đảm bảo điều hoà được quyền hành và kiểm soát công ty giữa các nhóm cổ đông với nhau.
Tuy nhiên, trên thực tế áp dụng không phải cổ đông nào cũng hiểu rõ về bầu dồn phiếu và cả các công ty cổ phần cũng vậy. Nhiều công ty vẫn nghĩ về bầu dồn phiếu cũng như bầu thông thường. Từ đó có sự nhầm lẫn giữa tỉ lệ phiếu biểu quyết để thông qua một quyết định của đại hội đồng cổ đông và tỷ lệ trúng cử trong bầu dồn phiếu.
3/ Thật ra, bầu dồn phiếu được xem là một trong những hình thức bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ. Vậy theo ông, chúng ta có nên khôi phục hình thức này hay không?
Trả lời:
Bầu dồn phiếu là một công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền của cổ đông nhỏ. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông chỉ nắm 10%, thậm chí ít hơn số phiếu bầu cũng có thể đưa được người đại diện của mình vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, thay vì ít nhất phải 51% như bầu cử thông thường.
Với mục đích là trao thêm quyền chủ động cho doanh nghiệp, nhưng lại xoá bỏ một quy định rất hợp lý và cần thiết của Luật cũ, là một sự thụt lùi đáng tiếc của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
4/ Việc khôi phục hình thức bầu dồn phiếu sẽ khiến cổ đông nhỏ có lợi hơn. Nhưng ở một khía cạnh khác, một trong những mục tiêu của việc sửa Luật Doanh nghiệp 2014 là nâng cao mức độ bảo vệ cổ đông nhỏ, nhưng bên cạnh đó cũng cần cân nhắc, tính toán tỷ lệ nhằm cân đối lợi ích của nhà đầu tư nhỏ và sự hoạt động ổn định của doanh nghiệp. Vậy theo ông, đâu là giải pháp để giải quyết hài hòa bài toàn này, thưa ông?
Trả lời:
Quy định việc bầu dồn phiếu là không bắt buộc nhưng vẫn nên duy trì. Nếu công ty nào mong muốn hoạt động thật sự nghiêm túc, bài bản, sòng phẳng, đàng hoàng thì nên duy trì phương thức bầu dồn phiếu, chứ không nên chuyển sang cách thức bầu cử thông thường.
5/ Ngoài ra, Khoản 2, Ðiều 114, Luật Doanh nghiệp quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty có các quyền: đề cử người vào hội đồng quản trị, ban kiểm soát, xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết, báo cáo tài chính bán niên và hàng năm… Trên thực tế, đây là con số gây nên nhiều tranh cãi bởi theo nhiều ý kiến, 10% tổng số cổ phần phổ thông không phải là con số nhỏ. Suy cho cùng con số này sẽ cản trở cổ đông nhỏ trong việc thực hiện quyền lợi của mình, thưa ông?
Trả lời:
Khoản 2 Điều 138 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật này có quyền kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp Đại hội đồng cổ đông”.
Cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật Doanh nghiệp 2014 là “cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng”.
Tỷ lệ 10% là quá lớn, thêm vào đó, việc phải thỏa mãn điều kiện về thời gian sở hữu “trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng” là “làm khó” cổ đông thiểu số trong việc thực hiện quyền của họ, và trong trường hợp này, là làm giảm tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp. Do đó, nên xem xét sửa đổi tỷ lệ quy định tại khoản 2 Điều 138 và Khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2014, đồng thời bỏ yêu cầu về thời gian sở hữu.
6/ Ngoài hình thức bầu dồn phiếu, để bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ, theo ông, chúng ta còn có những hình thức nào để bảo vệ họ?
Trả lời:
Thứ nhất, sửa đổi quy định về thẩm quyền chấp thuận giao dịch với người có liên quan:
Điều 162 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về Hợp đồng, giao dịch phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận như sau:
“1. Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các đối tượng sau đây phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận:
- a) Cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ;
- b) Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan của họ;
- c) Doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 159 Luật này.
- Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng và giao dịchcó giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp này, người đại diện công ty ký hợp đồng phải thông báo các thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; đồng thời kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị quyết định việc chấp thuận hợp đồng hoặc giao dịch trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một thời hạn khác; thành viên có lợi ích liên quan không có quyền biểu quyết…”.
Theo quy định trên, hợp đồng, giao dịch với người có liên quan có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền chấp thuận của HĐQT. Tuy nhiên, 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp là một tỷ lệ lớn, hơn nữa, đây là giao dịch với người có liên quan, vậy nên việc trao quyền chấp thuận cho HĐQT là chưa đảm bảo việc bảo vệ quyền của cổ đông thiểu số. Do đó, đề xuất một tỷ lệ nhỏ hơn tỷ lệ hiện tại.
Thứ hai, sửa đổi quy định về mức độ chịu trách nhiệm của người quản lý:
Khoản 4 Điều 162 Luật Doanh nghiệp năm 2014: “Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật khi được ký kết hoặc thực hiện mà chưa được chấp thuận theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, gây thiệt hại cho công ty; người ký kết hợp đồng, cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có liên quan phải liên đới bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó”.
Theo quy định trên thì cổ đông chỉ có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu hợp đồng, giao dịch được thực hiện không đúng với quy định của pháp luật, hay nói cách khác là có yếu tố phạm tội hoặc cố ý sơ suất gây thiệt hại; hơn nữa, cổ đông chỉ có thể yêu cầu người quản lý có liên quan phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu có thiệt hại phát sinh, các thành viên khác không phải chịu trách nhiệm liên đới. Điều này là chưa phù hợp với nguyên tắc quản trị doanh nghiệp tốt. Về nguyên tắc, người quản lý doanh nghiệp/doanh nghiệp phải làm việc/hoạt động vì lợi ích cao nhất của cổ đông, quyền lợi của cổ đông cũng cần phải được bảo vệ ở mức cao nhất; do vậy, khi hợp đồng, giao dịch gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của cổ đông, cổ đông có quyền yêu cầu bộ phận ra quyết định chấp thuận hợp đồng, giao dịch đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Ngoài ra, khi có khởi kiện của cổ đông, cũng cần trao quyền cho Tòa án phán xử đối với hợp đồng, giao dịch đã được thông qua theo đúng quy định của pháp luật nhưng được xác định là có gây thiệt hại cho lợi ích của công ty.
Để đảm bảo các nguyên tắc trên, nên xem xét sửa đổi khoản 4 Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2014 như sau: “Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật khi được ký kết hoặc thực hiện mà chưa được chấp thuận theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này hoặc nếu bị cổ đông khởi kiện và được xác định là có gây thiệt hại cho lợi ích của công ty. Nếu hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu theo quy định này và/hoặc gây thiệt hại cho công ty hoặc quyền lợi của các cổ đông khác, cổ đông có quyền yêu cầu người chấp thuận, ký kết hợp đồng và cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có liên quan phải liên đới bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó”.