Có nên quy định nhà đầu tư nước ngoài được tham gia vào thị trường xăng dầu?

0
654

Xăng dầu là loại hàng hóa đặc biệt đối với mỗi quốc gia bởi đây là nguyên liệu đầu vào quan trọng, phục vụ dân sinh, an ninh, quốc phòng; tác động đến sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Ngoài ra, đây cũng là loại nhiên liệu không thể tái sinh và chưa thể thay thế. Chính vì vậy mà các quốc gia đều có chính sách riêng để quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh và dự trữ xăng dầu.

Ở Việt Nam thì hoạt động kinh doanh xăng dầu được điều chỉnh trực tiếp bởi Nghị định số 83/2014/NĐ – CP về kinh doanh xăng dầu. Kinh doanh xăng dầu bao gồm các hoạt động: Xuất khẩu (xăng dầu, nguyên liệu sản xuất trong nước và xăng dầu, nguyên liệu có nguồn gốc nhập khẩu), nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu, nguyên liệu; sản xuất và pha chế xăng dầu; phân phối xăng dầu tại thị trường trong nước; dịch vụ cho thuê kho, cảng, tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển xăng dầu. Tính đến thời điểm hiện tại thì thị trường xăng dầu của chúng ta đã có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2017, Công ty TNHH Xăng dầu Idemitsu Q8 (công ty liên doanh giữa Kuwait International Petroleum và Idemitsu Kosan) đã khai trương trạm xăng dầu 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Tính đến nay, đây là doanh nghiệp ngoại duy nhất được tham gia bán lẻ xăng dầu. Trước đấy, năm 2016, JX Nippon Oil & Energy (JX) cũng đầu tư gần 4.000 tỷ đồng để sở hữu 8% vốn Petrolimex. Như vậy, có thể thấy, đã có nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam.

Bộ Công Thương vừa có Tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Trong Tờ trình dự thảo, Bộ Công thương có nêu rõ quan điểm xây dựng chính sách nhằm “Thu hút một phần vốn đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu nhưng trong nước vẫn phải giữ vai trò chi phối”. Và mục tiêu này được cụ thể hóa tại Khoản 3 Điều 1 Dự thảo: “Thương nhân kinh doanh xăng dầu có tổ chức hoạt động sản xuất, chế biến xăng dầu được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35% và phải được Bộ Công Thương chấp thuận sau khi thẩm định”. Quy định này sẽ khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, người dân có nhiều lựa chọn hơn, các doanh nghiệp trong nước cũng sẽ phải chú trọng nâng cao chất lượng của mình và đối tượng được hưởng lợi chính là khách hàng – người tiêu dùng.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cần đưa ra cơ sở lý giải vì sao lại lựa chọn tỷ lệ 35% và đồng thời, Bộ Công Thương cũng cần có hướng dẫn cụ thể đối với các doanh nghiệp trước đó đã chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài vượt quá 35% thì sẽ được giải quyết ra sao? Như đã nói ở trên, xăng dầu là mặt hàng đặc biệt quan trọng, liên quan đến an ninh năng lượng của quốc gia nên cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thông qua Dự thảo Nghị định này.