Cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước sai từ quyết định chủ trương?

0
523

Từng được cho là đi đầu trong tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, song theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, hàng loạt lãnh đạo Bộ GTVT dính sai phạm, khuyết điểm trong quá trình cổ phần hóa thông qua các sai phạm bán vốn cảng Quy Nhơn, quá trình cổ phần hoá Tổng Công ty Vận tải thuỷ (Vivaso) thuộc Bộ GTVT,….

Cụ thể, tháng 7.2013, Vinalines phê duyệt phương án cổ phần hóa, chuyển Công ty TNHH MTV cảng Quy Nhơn thành Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn. Mặc dù có khối tài sản lớn, gồm hạ tầng, thiết bị,… nhưng cảng Quy Nhơn chỉ được định giá hơn 404 tỉ đồng. Sau nhiều lần chuyển nhượng, đến nay phần lớn cổ phần cảng Quy Nhơn do Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (có trụ sở ở Hà Nội) nắm giữ, với tỉ lệ 86,23%.

Kết luận ngày 17.9.2018 của Thanh tra Chính phủ, Bộ GTVT cho phép Vinalines chuyển nhượng 75,01% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn cho Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản Hợp Thành, theo phương thức thoả thuận trực tiếp khi không báo cáo, chưa được Thủ tướng cho phép, là trái thẩm quyền, vi phạm quy định pháp luật.

Sau hơn 1 năm sau kết luận Thanh tra, quá trình thu hồi lại hơn 75% cổ phần bán sai phạm tại cảng Quy Nhơn chưa có nhiều tiến triển, do vướng mắc liên quan đến việc định giá tài sản.

Trước đó, quá trình cổ phần hoá Tổng Công ty Vận tải thuỷ (Vivaso) thuộc Bộ GTVT cũng từng bị tố cáo có nhiều khuất tất.

Cụ thể, theo hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ Vivaso trước khi tiến hành cổ phần hoá là 327 tỉ đồng. Tháng 3.2014, Bộ GTVT đã yêu cầu Vivaso đàm phán bán cho nhà đầu tư Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường theo đề nghị của ông Nguyễn Thuỷ Nguyên, Tổng giám đốc Vạn Cường.

Hiện, Công ty Vạn Cường nắm vai trò chi phối, chiếm hơn 77% cổ phần Vivaso, ông Nguyễn Thuỷ Nguyên đồng thời là Chủ tịch HĐQT Vivaso.

Tuy nhiện, tại kỳ họp Quốc hội tháng 5.2018, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã kiến nghị Thanh tra Chính phủ xem xét lại quá trình cổ phần hoá Vivaso. Lý do, Tổng Công ty này có 10 doanh nghiệp với hàng trăm đoàn tàu đang hoạt động nhưng chỉ được bán với giá 327 tỉ đồng. Sau cổ phần hoá, Vivaso không có hoạt động nào về đầu tư vận tải thuỷ, mà chỉ cho thuê trụ sở, kho bãi,… gây bức xúc và khiếu nại kéo dài của cán bộ nhân viên.

Ủy ban Kiểm tra T.Ư kết luận, nguyên Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cùng 4 thứ trưởng, đã có sai phạm, gây thất thoát lớn tiền, tài sản của nhà nước tại Bộ Giao thông vận tải. Ủy ban Kiểm tra cho rằng, vi phạm của Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải và những cá nhân nêu trên đã “gây thất thoát lớn tiền và tài sản của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và ngành giao thông vận tải, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”.

Link tham khảo: https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/bo-giao-thong-van-tai-tu-di-dau-co-phan-hoa-den-sai-pham-1078432.html

Từ hai vụ việc sai phạm nêu trên, PV Pháp lý xin gửi tới Luật sư một số vấn đề như sau:

1, Thưa luật sư, qua hai vụ việc trên, việc đưa ra các quyết định chủ trương sai là do mục đích của cá nhân, chính sách pháp luật có lỗ hổng hay do trình độ hạn chế của người đứng đầu?

Trả lời:

Cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là chủ trương lớn mang lại nhiều kết quả tích cực, huy động được nhiều nguồn lực của xã hội đầu tư vào doanh nghiệp (DN) để phát triển sản xuất, kinh doanh, làm tăng hiệu quả hoạt động của DN, tăng cơ hội phát triển các doanh nghiệp CPH.

Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa thời gian qua đã bộc lộ nhiều “lỗ hổng” khiến cho hàng loạt khu đất vàng, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp nhà nước bị thâu tóm với giá rẻ đã gây ra những thất thoát lớn cho nguồn lực nhà nước.

Nguyên nhân của thực trạng này là do:

Thứ nhất, việc xác định giá trị doanh nghiệp có tình trạng kiểm kê thiếu, không kiểm kê tài sản cố định còn giá trị sử dụng, kiểm kê không đúng diện tích thực tế sử dụng mà căn cứ theo diện tích được giao ban đầu, … làm giảm giá trị doanh nghiệp.

Thứ hai, trong quá trình cổ phần hóa, người đại diện quản lý doanh nghiệp, ban chỉ đạo cổ phần hóa thường thiếu thẩm tra, mà chủ yếu căn cứ kết quả thẩm định giá của đơn vị tư vấn dẫn đến không phát hiện những thiếu sót gây thất thoát tài sản nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị thẩm định giá có vốn điều lệ chỉ vài tỉ đồng nhưng tham gia định giá tài sản có giá hàng trăm tỉ đồng. Mặt khác, hiện nay chưa có quy định bắt buộc việc công ty thẩm định giá phải có bảo hiểm trách nhiệm vật chất đủ để đảm bảo việc bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố, sai sót.

Thứ ba, một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý DNNN yếu kém về năng lực quản lý, điều hành, sa sút về tinh thần trách nhiệm, suy thoái về phẩm chất đạo đức, có lợi ích nhóm, cố ý làm trái, vi phạm các quy định pháp luật, lợi dụng nhiệm vụ được giao để mưu lợi ích riêng cho bản thân và gia đình, họ hàng, tham nhũng. Từ đó, gây thất thoát lớn, thua lỗ lớn cho một số DNNN, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, nhà nước và niềm tin vào khu vực DNNN. Một số DN vi phạm các quy định quản lý vốn đầu tư, làm thất thoát tài sản của nhà nước nhưng chậm được phát hiện

 

2, Từ việc quyết định chủ trương sai đã gây ra những hậu quả lớn, nhưng chỉ kiến nghị kỷ luật (phân tích một số vụ việc cụ thể) liệu có quá nhẹ không thưa ông? Luật sư đề xuất nên xử lý như nào để đảm bảo sự nghiêm minh?

Trả lời:

Thiết nghĩ, cần phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện hiệu quả việc xác định trách nhiệm cá nhân trong sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN.

Xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành DN; trường hợp thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của Nhà nước thì phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, trong đó nặng nhất là kỷ luật Đảng và khởi tố về mặt hình sự.

 

3, Thưa luật sư, pháp luật quy định như nào về trách nhiệm đối với những người ra quyết định chủ trương trong CPH? Quy định pháp luật có mâu thuẫn, bất cấp nào không? Nếu có, nên quy định lại như nào để những người chịu trách nhiệm chính không dám ra những quyết định sai nữa, thưa luật sư?

Trả lời:

Hành vi sai phạm trong định giá giá trị tài sản của các cá nhân, tổ chức chỉ bị xử lý khi cơ quan bảo vệ pháp luật chứng minh được cá nhân là những người có chức vụ, quyền hạn, cố ý làm sai lệch kết quả, can thiệp để kết quả định giá, đấu giá thấp xuống hơn thực tế để hưởng lợi cho cá nhân thì có thể bị khởi tố trong nhóm tội về chức vụ quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như: “Tội tham ô tài sản” quy định tại Điều 353 hoặc “Tội nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 hoặc “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” .

Nếu cá nhân là những người có chức vụ, quyền hạn nhưng lơ là, thiếu sự giám sát, quản lý, … không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ những nhiệm vụ được giao dẫn đến để các tổ chức, cá nhân khác lợi dụng để làm sai phạm trong hoạt động định giá, đấu giá để họ trục lợi, dù cá nhân này không được hưởng lợi từ hoạt động sai phạm của người khác thì vẫn có thể bị xử lý hình sự về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Nếu cá nhân trực tiếp hay qua trung gian đưa hoặc sẽ đưa cho cá nhân người có chức vụ quyền hạn hoặc đưa cho cá nhân tổ chức nào đó một khoản lợi ích vật chất để cá nhân, tổ chức đó cố ý làm sai lệch hồ sơ, tài liệu dẫn đến sai lệch kết quả định giá, đấu giá thì sẽ bị xử lý hình sự về “Tội đưa hối lộ” theo quy định tại Điều 364 hoặc “Tội môi giới hối lộ” theo Điều 365 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

4, Luật sư đề xuất giải pháp về công tác cán bộ như thế nào qua những vụ việc sai phạm nêu trên?

Trả lời:

Có thể nhận thấy các giải pháp quan trọng để ngăn chặn được tình trạng thất thoán vốn nhà nước trong cổ phần hoá là thay đổi nhận thức, thực hiện đầy đủ, đúng nguyên tắc tuân thủ pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch thông tin, theo thị trường trong định giá, trong tổ chức bán cổ phần, lựa chọn nhà đầu tư.

Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp trong thực thi kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành chỉ đạo của chủ sở hữu và kiên quyết xử lý các cá nhân không quyết liệt, thiếu trách nhiệm, không đảm bảo tiến độ, nguyên tắc quy định trong chỉ đạo, tổ chức cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện, bao gồm cả nội dung chấp hành kỷ luật hành chính của các cá nhân, tổ chức; trong đó tập trung các khâu trọng yếu như định giá doanh nghiệp, quản lý, sử dụng đất, bán đấu giá cổ phần, thoái vốn.
Do đối tượng cổ phần hóa trong thời gian tới là các DN có quy mô lớn và hoạt động trong những ngành, lĩnh vực đặc thù cho nên cần bổ sung thêm nội dung kiểm toán nhà nước để kiểm toán lại kết quả xác định giá trị DN và xử lý các bất cập về tài chính.

Trân trọng cảm ơn luật sư!