Khoản 2 Điều 2 Luật quản lý thuế năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định cơ quan quản lý thuế gồm:
– Cơ quan thuế gồm Tổng cục thuế, Cục thuế, Chi cục thuế;
– Cơ quan hải quan gồm Tổng cục hải quan, Cục hải quan, Chi cục hải quan.
Điều 8 Luật quản lý thuế năm 2006 và Khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế năm 2012 (sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Khoản 3 Điều 8 Luật quản lý thuế năm 2006) quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế như sau:
– Tổ chức thực hiện thu thuế theo quy định của pháp luật.
– Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về thuế; công khai các thủ tục về thuế tại trụ sở, trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
– Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm giải thích, cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế; cơ quan thuế có trách nhiệm công khai mức thuế phải nộp của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh trên địa bàn xã, phường, thị trấn; cơ quan hải quan có trách nhiệm xác định trước mã số, trị giá hải quan, xác nhận trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trước khi làm thủ tục hải quan theo quy định của Chính phủ.
– Giữ bí mật thông tin của người nộp thuế theo quy định của Luật.
– Thực hiện việc miễn thuế, giảm thuế, xoá nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt, hoàn thuế theo theo quy định của Luật và các quy định khác của pháp luật về thuế.
– Xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế khi có đề nghị theo quy định của pháp luật.
– Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện pháp luật về thuế theo thẩm quyền.
– Giao kết luận, biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế cho đối tượng kiểm tra thuế, thanh tra thuế và giải thích khi có yêu cầu.
– Bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế theo quy định của Luật.
– Giám định để xác định số thuế phải nộp của người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.