Công ty có phải trả lương cho người lao động khi bị ngừng hoạt động do covid?

0
678

Câu hỏi: Chúng tôi là công ty có vốn đầu tư nước ngoài đang bị ảnh hưởng bởi Covid 19, chúng tôi có câu hỏi như sau:

  1. Công ty phải ngừng hoạt động do giãn cách vì Covid
  2. Người lao động không thể đi làm do họ bị giãn cách

Vậy trong công ty có phải trả lương trong thời gian giãn cách không?

Trả lời: Về vấn đề doanh nghiệp hỏi, SBLAW trả lời như sau:

Trường hợp 1: Công ty phải tạm ngừng hoạt động do lệnh phong toả do covid. Trong trường hợp nay, Công ty sẽ phải trả lương cho Người lao động theo chế độ ngừng việc không do lỗi của Người lao động. Theo đó, lương phải trả sẽ do hai bên tự thoả thuận theo quy định tại Khoản 3, Điều 99 Bộ luật lao động 2019. Nếu thời gian ngừng việc không kéo dài quá 14 ngày làm việc, lương phải trả không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Nếu thời gian ngừng việc quá 14 ngày làm việc, lương phải trả cho 14 ngày đầu tiên không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

Trường hợp 2: Người lao động không thể đi làm do bị phong toả. Trong trường hợp này, người lao động sẽ phải làm thủ tục xin nghỉ ốm và cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ trả lương cho họ theo chính sách áp dụng cho trường hợp nghỉ ốm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, thì Cơ quan bảo hiểm xã hội vẫn chưa có được hướng dẫn chính thức về vấn đề này.

Quy trình thực hiện như sau;

Bộ luật lao động Việt Nam chỉ quy định là trong trường hợp đó, người lao động và người sử dụng lao động trực tiếp thương lượng với nhau về mức lương phải trả cho người lao động trong thời gian tạm ngừng việc.

Trên thực tế, qua kinh nghiệm thực tiễn các công ty tại Việt Nam, thì có hai cách xử lý như sau:

+ Cách 1: Công ty tiến hành thông báo và giải thích tình huống cho người lao động bằng email/văn bản thông báo. Nếu không có người lao động nào tiến hành phản đối thì mặc nhiên áp dụng.

+ Cách 2: Công ty tiến hành họp với đại diện người lao động (thường là đại diện công đoàn đối với những công ty có công đoàn cơ sở) hoặc toàn thể người lao động về mức lương trả trong trường hợp ngừng việc. Cuộc họp được ghi nhận lại bằng biên bản họp. Nếu không có công đoàn cơ sở thì toàn bộ người lao động ký vào tờ cuối cùng của biên bản họp.