Cụm từ” Ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết chấp thuận” được hiểu như thế nào cho đúng?

0
668

Câu hỏi: Cụm từ” Ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết chấp thuận” quy định tại khoản 5 Điều 104 Luật Doanh nghiệp 2005 được hiểu như thế nào cho đúng?

Trả lời: Khoản 5 Điều 104 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định:

“Trường hợp thông qua quyết định dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì quyết định của Đại hội đồng cổ đông được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định”.

Hiện nay, quy định này của Luật Doanh nghiệp chưa đủ rõ để áp dụng. Tình huống sau đây sẽ làm rõ những bất cập của quy định này:

 Tình huống: Công ty cổ phần A có năm cổ đông, mỗi cổ đông chiếm 20% cổ phần. Ngày 20/7/2007, Hội đồng quản trị tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Biên bản kết quả kiểm phiếu được phản ánh như sau: Có một cổ đông không gửi phiếu lấy ý kiến về công ty (vì đang ở nước ngoài); Có bốn cổ đông gửi phiếu lấy ý kiến về công ty; trong đó ba cổ đông tán thành vấn đề cần lấy ý kiến (chiếm 60% vốn điều lệ và 75% cổ phần tham gia biểu quyết) và một cổ đông phản đối vấn đề cần lấy ý kiến (chiếm 20% vốn điều lệ và 25% cổ phần tham gia biểu quyết). Dựa vào Biên bản kết quả kiểm phiếu trên, Chủ tịch Hội đồng quản trị đã ký ban hành Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua vấn đề cần lấy ý kiến. Sau khi nhận được Biên bản kiểm phiếu và Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thì cổ đông đã phản đối vấn đề cần lấy ý kiến đã khởi kiện Quyết định của Đại hội đồng cổ đông vì cho rằng chỉ có 60% cổ phần đồng ý nên quyết định của Đại hội đồng cổ đông không có giá trị pháp lý.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 104 Luật Doanh nghiệp thì Quyết định của Đại hội đồng cổ đông được thông qua dưới hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản phải được ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết chấp thuận. Cũng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 79 Luật Doanh nghiệp 2005 thì mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết. Như vậy, một phiếu biểu quyết tương ứng với một cổ phần phổ thông nên quy định “ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết chấp thuận” phải được hiểu là “ít nhất 75% tổng số cổ phần phổ thông chấp thuận”. Thực tế tại Biên bản kết quả kiểm phiếu cho thấy, chỉ có ba cổ đông đồng ý, tức là chỉ có 60% tổng số cổ phần phổ thông đồng ý nên chưa đạt tỷ lệ tối thiểu để thông qua. Như vậy, quyết định trên chưa đủ tỷ lệ tối thiểu theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005.

Tuy nhiên, trong trường hợp trên, Luật Doanh nghiệp 2005 đã không quy định rõ ràng nên dẫn đến Chủ tịch Hội đồng quản trị hiểu như sau: Tỷ lệ “ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết chấp thuận” quy định tại khoản 5 Điều 104 phải được tính toán dựa trên tổng số cổ phần được ghi nhận tại các phiếu lấy ý kiến đã gửi về công ty. Biên bản kiểm phiếu đã xác nhận có ba trong số bốn cổ đông gửi phiếu về đồng ý, tức là tỷ lệ phiếu biểu quyết chấp thuận chiếm 75%, vừa đủ tỷ lệ tối thiểu cần thiết.

Cần lưu ý rằng kể từ ngày 01/06/2010, Nghị định 43/2010/NĐ-CP thay thế Nghị định 88/2006/NĐ-CP. Theo Điều 38 Nghị định 43/2010/NĐ-CP thì trong hồ sơ thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần cần có quyết định bằng văn bản và bản sao biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty làm thay đổi nội dung điều lệ công ty, của Hội đồng quản trị trong trường hợp việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty không làm thay đổi nội dung điều lệ công ty. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào giải thích rõ trường hợp nào thì thay đổi người đại diện theo pháp luật dẫn đến thay đổi nội dung Điều lệ, trường hợp nào thì không? Khi thay đổi người đại diện theo pháp luật dẫn đến chữ ký của người đại diện theo pháp luật trong Điều lệ thay đổi theo. Vậy việc thay đổi này có làm thay đổi nội dung Điều lệ công ty không? Trong khi đó, khoản 22 Điều 15 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định chữ ký người đại diện theo pháp luật là một phần nội dung Điều lệ công ty.

Theo Luật gia: Cao Bá Khoát và Luật sư: Trần Hữu Huỳnh.