Đăng ký biện pháp bảo đảm là gì?

0
477

Câu hỏi: Thưa luật sư, tôi muốn hỏi đăng ký biện pháp bảo đảm là gì và áp dụng trong những trường hợp nào?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm thì “đăng ký biện pháp bảo đảm là việc cơ quan đăng ký ghi vào sổ đăng ký hoặc nhập vào cơ sở dữ liệu về việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm”.

Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này quy định rõ các biện pháp bảo đảm bắt buộc phải đăng ký gồm:

– Thế chấp quyền sử dụng đất;

– Thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

– Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;

– Thế chấp tàu biển.

Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 4 quy định về các biện pháp bảo đảm được đăng ký khi có yêu cầu gồm:

– Thế chấp tài sản là động sản khác;

– Thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai;

– Bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; mua bán tàu bay, tàu biển; mua bán tài sản là động sản khác có bảo lưu quyền sở hữu.

Nghị định 102/2017/NĐ-CP cũng quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm. Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu bay; Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Chi cục hàng hải, Cảng vụ hàng hải theo phân cấp của Cục Hàng hải Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu biển.

Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản và các tài sản khác không thuộc thẩm quyền đăng ký của các cơ quan quy định trên.

Người yêu cầu đăng ký có thể nộp hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm theo một trong các phương thức:

– Qua hệ thống đăng ký trực tuyến;

– Nộp trực tiếp;

– Qua đường bưu điện;

– Qua thư điện tử trong trường hợp người yêu cầu đăng ký đã được cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.

Cơ quan đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm có trách nhiệm giải quyết hồ sơ đăng ký, cung cấp thông tin trong ngày nhận hồ sơ hợp lệ; nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ, thì hoàn thành việc đăng ký, cung cấp thông tin ngay trong ngày làm việc tiếp theo; trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, thì cũng không quá 03 ngày làm việc.

Nghị định 102/2017/NĐ-CP cũng quy định cụ thể việc công bố thông tin về biện pháp bảo đảm. Theo đó, chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ thời điểm đăng ký biện pháp bảo đảm bằng dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng công trình, Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm gửi thông tin cho Sở Tài nguyên và Môi trường để công bố trên Trang thông tin điện tử của Sở này.