Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Hà Nội

0
516

Để đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Hà Nội, công dân cần quan tâm tới thủ tục hành chính sau:

I.Căn cứ pháp lý điều chỉnh đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.

1. Bộ luật Dân sự 2005

2. Luật hôn nhân và gia đình 2000

3. Nghị định số Số: 24/2013/NĐ-CPngày 28/03/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài;

4. Thông tư Số: 22/2013/TT-BTPngày 31/12/2013 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều củaNghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

II.Cách thức thực hiện:

Cách 1: Cả hai bên nam nữ phải có mặt khi nộp hồ sơ và nộp trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả – Sở Tư pháp TP Hà Nội

Cách 2: Trường hợp có lý do khách quan mà một bên không thể có mặt được thì phải có đơn xin vắng mặt và ủy quyền cho bên kia nộp hồ sơ. Không chấp nhận việc nộp hồ sơ qua người thứ 3.

 III.Thành phần hồ sơ

 1.  Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định, có chữ ký và dán ảnh của hai bên nam, nữ

2.    Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc Tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam được cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ; giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó là người không có vợ hoặc không có chồng;

Trường hợp pháp luật nước ngoài không quy định việc cấp giấy tờ xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy xác nhận tuyên thệ của người đó hiện tại không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật của nước đó.

3.    Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.(cả vợ và chồng).

– Đối với công dân Việt Nam thường trú tại Hà Nội: Giấy xác nhận do Tổ chức giám định pháp y Hà Nội cấp

– Đối với công dân Việt Nam định cư tại nước ngoài hoặc người mang quốc tịch nước ngoài: Giấy xác nhận do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp

4.  Bản sao chứng thực giấy chứng minh nhân dân (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế như giấy thông hành hoặc thẻ cư trú (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài).

5. Bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể hoặc giấy xác nhận đăng ký tạm trú có thời hạn (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú hoặc giấy xác nhận tạm trú (đối với người nước ngoài ở Việt Nam).

Chú ý: Đối với Giấy xác nhận tạm trú của công an xã (phường, thị trấn) nơi người Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam hiện đang tạm trú hoặc người nước ngoài đang tạm trú tại Việt Nam thì :

– Nếu tạm trú trên địa bàn các quận, huyện thuộc Hà Nội (cũ) thì xác nhận tại Phòng xuất nhập cảnh CATP Hà Nội – cơ sở 1 (PA72) tại 89 Trần Hưng Đạo – Hoàn Kiếm – Hà Nội .

– Nếu đang tạm trú trên địa bàn các quận, huyện, thị xã thuộc Hà Tây (cũ) thì xác nhận tại Phòng xuất nhập cảnh CATP Hà Nội – cơ sở 2 (PA72) tại Số 2 – Phùng Hưng – Hà Đông – Hà Nội .

Chú ý:

–    Trường hợp công dân Việt Nam đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang hoặc đang làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật Nhà nước thì phải nộp giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý ngành cấp Trung ương hoặc cấp tỉnh, xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không ảnh hưởng đến việc bảo vệ bí mật Nhà nước hoặc không trái với quy định của ngành đó.

– Các văn bản bằng tiếng nước ngoài phải nộp bản chính, kèm bản dịch ra tiếng Việt có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền.

– Văn bản được cấp từ cơ quan Đại diện ngoại giao của nước ngoài đang trú tại Việt Nam thì do Bộ Ngoại giao Việt Nam hoặc cơ quan Ngoại vụ được Bộ Ngoại giao Việt Nam ủy nhiệm hợp pháp hóa lãnh sự (trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo qui định của pháp luật).

– Văn bản được cấp từ nước ngoài do cơ quan Lãnh sự Việt Nam tại nước đó hợp pháp hóa (trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự).

– Trường hợp văn bản được cấp từ nước ngoài đã mang về Việt Nam nhưng chưa được hợp pháp hóa thì văn bản này phải thông qua cơ quan Ngoại giao của nước họ đang trú đóng tại Việt Nam xác nhận. Sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam hay cơ quan Ngoại vụ được Bộ Ngoại giao Việt Nam ủy nhiệm hợp pháp hóa (trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại theo công văn 246-CV/NGLS ngày 31/05/2005 của Bộ Ngoại giao).

2. Giấy tờ phải xuất trình:

Khi đến nộp hồ sơ kết hôn: hai bên nam nữ phải có mặt và xuất trình CMND, Hộ chiếu, Thị thực nhập cảnh, Sổ hộ khẩu.

–  Khi nhận Giấy chứng nhận kết hôn: phải có đầy đủ 2 bên nam, nữ, xuất trình CMND, Hộ chiếu, Visa để ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn.

 III.Số lượng hồ sơ

 –  01 bộ

– Tờ khai và các giấy tờ trong hồ sơ được viết bằng một thứ chữ, một loại mực và không tẩy xóa

 IV.Thời hạn giải quyết

 –  25 ngày  làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ

– Trường hợp có yêu cầu cơ quan công an xác minh thì thời hạn kéo dài thêm không quá 10  ngày làm việc

 V.Đối tượng thực hiện thủ tục

– Công dân Việt Nam  có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam

– Người nước ngoài thường trú tại Việt Nam với nhau (một trong hai bên thường trú tại Hà Nội)

– Công dân Việt Nam với nhau mà một bên hoặc cả hai bên định cư ở nước ngoài (một trong hai bên hoặc cả hai bên có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội hoặc hộ khẩu trước khi xuất cảnh tại Hà Nội)

– Người nước ngoài thường trú tại Việt Nam với người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam hoặc giữa người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam với nhau, nếu cá nhân có yêu cầu.