Nhận lời mời của Báo An ninh thủ đô, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty Luật SB Law đã có bài trả lời đối với các vấn đề liên quan đến nhãn hiệu.
Câu hỏi của khán giả Đào Diệu Thùy (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh):
Xin luật sư cho biết, việc đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu, nhãn mác, logo với số lượng hàng trăm, hàng nghìn mẫu có phức tạp không, chi phí ra sao? Công ty tôi đã sử dụng logo được 3 năm. Gần đây, tôi phát hiện có một công ty khác kinh doanh cùng lĩnh vực sử dụng logo khá giống với công ty tôi. Việc làm này của công ty kia có vi phạm không và chúng tôi phải làm thế nào để bảo vệ thương hiệu của mình?
Luật sư trả lời:
Đối với bất kỳ doanh nghiệp nào cũng nên quan tâm tới việc bảo hộ những tài sản trí tuệ mà luật yêu cầu phải đăng ký mới được bảo hộ như nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp. Những tài sản trí tuệ như bản quyền, luật không yêu cầu phải đăng ký mà chỉ cần thể hiện ở một dạng vật chất nhất định là có thể được đăng ký, vì vậy, doanh nghiệp cũng cần quan tâm tới yếu tố này.
Nếu doanh nghiệp có nhiều mẫu thiết kế (hàng trăm, thậm chí hàng nghìn mẫu) thì để tiết kiệm chi phí, doanh nghiệp nên để những mẫu này là dạng tác phẩm được bảo hộ bản quyền, theo luật thì không cần đăng ký và có thể giúp giảm thiểu chi phí.
Theo pháp luật về sở hữu trí tuệ, logo là một trong những yếu tố cấu thành nên một nhãn hiệu. Quy định hiện hành nêu rõ, một logo muốn được bảo hộ như nhãn hiệu thì logo đó cần được đăng ký và sau một thời gian thẩm định (12 tháng) thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ quyết định cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hay không cấp.
Nhãn hiệu là logo sẽ được cấp khi đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, không tương tự gây nhầm lẫn với một logo là nhãn hiệu của một bên thứ ba. Để kết luận được 2 logo là giống nhau hoặc không giống nhau thì các thẩm định viên trong Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành thẩm định, so sánh bằng chuyên môn và nghiệp vụ.
Nếu doanh nghiệp không đồng ý với kết luận của Cục Sở hữu trí tuệ thì có thể khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa hành chính. Trong trường hợp doanh nghiệp có một logo đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nhưng nghi ngờ có một bên vi phạm thì có thể yêu cầu cơ quan chức năng giám định xem có vi phạm hay không. Kết quả giám định là một tài liệu quan trọng để khẳng định 2 logo có tương tự gây nhầm lẫn hay không và có vi phạm hay không.
Bài viết được trích từ Báo An ninh thủ đô
http://anninhthudo.vn/doi-song/tieu-chi-danh-gia-2-logo-giong-nhau/718290.antd