Để quản lý tài sản công hiệu quả

0
738

Mới đây, Bộ Tài chính vừa có Công văn số 12290/BTC-QLCS gửi các bộ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở trung ương, UBND các tỉnh, thành phố về việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Theo đó, để bảo đảm việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo đúng quy định của pháp luật, tránh thất thoát tài sản nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát các trường hợp đang sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý vào vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để xử lý chuyển tiếp các trường hợp theo quy định của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật quản lý, sử dụng tài sản công.
Câu hỏi được đặt ra là chúng ta đã có luật và cũng có các quy định hướng dẫn đã có hiệu lực từ lâu, vậy tại sao đến thời điểm này việc kiểm tra rà soát vi phạm vẫn khó xử lý?
Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 có hiệu lực ngày 01/01/2018 đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện đổi mới một cách sâu sắc cơ chế quản lý, sử dụng và khai thác có hiệu quả tài sản công ở tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cho thấy vẫn còn một số bất cập và tình trạng sử dụng lãng phí tài sản công vẫn còn diễn ra phổ biến.
Nguyên nhân đầu tiên là do một số bộ, ngành, địa phương chưa ban hành kịp thời các văn bản phân cấp thẩm quyền để thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Công tác rà soát, sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất còn chậm. Hiệu quả khai thác, sử dụng tài sản công ở một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế, … Chính vì chưa rõ ràng về nhiệm vụ và thẩm quyền nên việc sử dụng tài sản công còn “lẫn lộn”. Ngay cả khi phát hiện ra sai phạm thì vẫn không xác định được ai là người phải bị xử lý, ai là người chịu trách nhiệm, ai là người có thẩm quyền giải quyết.
Thứ hai, do tài sản công ở nước ta có phạm vi rất rộng, được hình thành, tích lũy qua nhiều thế hệ, là cơ sở vật chất để thực hiện công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, đồng thời, do nhiều chủ thể khác nhau quản lý, sử dụng. Theo đó, để kiểm soát được toàn bộ tài sản công tại tất cả các đơn vị sự nghiệp công cũng đòi hỏi nhiều công sức cũng như mức độ tự giác của các cơ quan rất cao. Thậm chí, việc tổ chức công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát sắp xếp lại cũng đòi hỏi đáp ứng về mặt nhân sự và chi phí. Vì vậy, mặc dù đã có luật song việc tổ chức thực thi chưa hiệu quả dẫn tới việc còn tồn tại nhiều sai phạm, hạn chế chưa được giải quyết và chưa kịp giải quyết.
Thứ ba, hiện nay hệ thống dữ liệu về tài sản công đã hình thành nhưng không đầy đủ, thiếu thống nhất, độ tin cậy thấp, khó tiếp cận, phân tán ở nhiều cơ quan ở Trung ương và cũng như ở địa phương do đó gây ảnh hưởng không tốt đến công tác quản lý tài sản công.
Thứ tư, thực tế vẫn còn nhiều loại tài sản công chưa được định giá chính thức, kể cả những tài sản đã giao cho các cơ quan bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp quản lý sử dụng như tài nguyên, khoáng sản, đất đai. Đồng thời, đối với những tài sản đã được định giá thì phần lớn cũng chưa được định giá theo giá thị trường.
Bên cạnh đó, công tác quản lý tài sản công tại các cơ quan, tổ chức còn bộc lộ nhiều yếu kém; còn phân tán do nhiều cơ quan, đơn vị cùng làm, tính chuyên nghiệp chưa cao; khả năng điều tiết và vai trò của cơ quan quản lý tài sản công hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên.
Để có thể hạn chế, xử lý và khắc phục các sai phạm trong lĩnh vực này, chúng ta cần sự nỗ lực đến từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tổ chức/đơn vị sự nghiệp. Cụ thể:
Thứ nhất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý, sử dụng tài sản công nhằm bảo đảm tất cả các loại tài sản công đều được kế toán, thống kê, giám sát, quản lý chặt chẽ, hiệu quả bằng pháp luật
Thứ hai, các cơ quan có thẩm quyền cần phát huy đúng và đủ nhiệm vụ của mình trong việc chỉ đạo thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công, quản lý, sử dụng theo đúng tiêu chuẩn, định mức và quy định của pháp luật; chỉ đạo đẩy nhanh việc báo cáo kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc đối tượng cổ phần hóa) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý theo quy định. Việc quản lý, sử dụng tài sản công sau khi được cấp cũng phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ ba, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất và tập trung toàn bộ các tài sản công ở tất cả các lĩnh vực, các địa phương trong cả nước. Hệ thống cơ sở dữ liệu này do một cơ quan có thẩm quyền xây dựng, quản lý, cập nhật và công bố công khai theo các cách thức dễ dàng tiếp cận nhất cho mọi người dân.
Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về các đầu việc bao gồm sắp xếp lại, xử lý, quản lý, sử dụng tài sản công; thực hiện các quy định của pháp luật cũng rất cần thiết. Việc này không chỉ giúp các cơ quan, đơn vị phát hiện kịp thời sai phạm, xử lý nghiêm minh, phát huy vai trò răn đe và giáo dục của pháp luật mà còn đem lại ý thức về công bằng, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực còn tồn tại.