Kỳ vọng vào những thay đổi quan trọng của luật các tổ chức tín dụng

0
129

Dự thảo thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang được Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện để trình Chính phủ trước khi đưa ra Quốc hội. Trong nội dung của dự thảo, nhiều điểm mới đã được cập nhật với kỳ vọng làm tăng cường khả năng quản trị và điều hành của các tổ chức tín dụng, đồng thời cung cấp cảnh báo và can thiệp sớm để giảm thiểu rủi ro và vi phạm trong các hoạt động của ngân hàng. Dưới đây là ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty luật SBLAW về vấn đề trên.

Câu hỏi 1: Quốc hội sẽ họp bất thường để xem xét thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ông đánh giá như thế nào về những sửa đổi của dự thảo luật lần này? Liệu dự thảo lần này còn những bất cập như thế nào? Thưa ông?

Trả lời:

Nhìn chung, những sửa đổi của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, phát triển kinh tế, đổi mới hoạt động ngân hàng. Về mặt nội dung, dự thảo Luật đã bổ sung, điều chỉnh một số nội dung quan trọng, như:

   – Siết chặt quản lý sở hữu chéo, đa sở hữu, dự thảo Luật đã quy định giới hạn sở hữu chéo đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính vi mô. Cụ thể, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó lần lượt từ không được vượt quá 15% và 25% vốn tự có ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm xuống còn 10% và 15%. Quy định này tạo ra một rào cản tốt hơn về sở hữu chéo, giảm tỷ lệ sở hữu của cá nhân và tổ chức trong một tổ chức tín dụng (hình thức cổ phần) để hạn chế khả năng một cá nhân hoặc một tổ chức (là chủ sở hữu hoặc kinh doanh bất động sản chẳng hạn) có thể ảnh hưởng tới quyết định cấp tín dụng của tổ chức tín dụng.

– Dự thảo luật điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng theo hướng giảm so với quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể là tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông (nhà đầu tư trong nước) là cá nhân; cổ đông là tổ chức; cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó lần lượt từ không vượt quá 5%, 15%, 20% giảm xuống còn 3%, 10% và 15%. Mục đích của của việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần này nhằm hướng tới việc loại bỏ tình trạng “sở hữu chéo” – sử dụng tỷ lệ sở hữu cổ phần để thao túng, chi phối hoạt động của các tổ chức tín dụng từ một số cổ đông nhóm cổ đông lớn, cũng chính là thể chế hóa chủ trương của Đảng.

– Các điều khoản về thanh tra, giám sát, giảm rủi ro cho vay tập trung cũng được nhấn mạnh hơn và điều này kỳ vọng giảm bớt rủi ro trong vận hành của các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó dự thảo Luật tổ chức tín dụng (sửa đổi) vẫn còn những bất cập nhất định:

Thứ nhất, việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng theo hướng giảm sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến các cổ đông hiện hữu và kể cả các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư tiềm năng, nhất là khi các cổ đông này đã hoặc dự kiến sở hữu cổ phần một cách minh bạch và không có bất kỳ ý định nào sở hữu cổ phần để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó dự thảo sử dụng phương pháp đóng để quy định mà hoàn toàn không cho phép bất cứ một trường hợp loại trừ nào.

Thứ hai, việc quy định giảm ngay giới hạn cấp tín dụng xuống 10% và 15% so với hiện tại là 15% và 25% sẽ gây tác động đột ngột đến hoạt động của các tổ chức tín dụng và chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó điều này cũng gây ảnh hưởng tới việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp từ đó gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc phát triển kinh doanh.

Thứ ba, Dự thảo Luật chỉ quy định về tổ chức tín dụng nhà nước và tổ chức tín dụng cổ phần. Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều tổ chức tín dụng tư nhân nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Việc chưa quy định cụ thể về tổ chức tín dụng tư nhân nước ngoài sẽ dẫn đến khó khăn trong việc quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng này.

Ls Nguyen Thanh Ha - Kỳ vọng vào những thay đổi quan trọng của luật các tổ chức tín dụng
Ls Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật SBLAW

Câu hỏi 2: Tuy nhiên, hiện dự thảo luật này vẫn còn một số vấn đề gây tranh cãi, điển hình là quy định về giới hạn cấp tín dụng.

Ông đánh giá như thế nào về quy định này? Quy định này đang bất cập như thế nào?

Trả lời:

   Quy định này nhằm hạn chế rủi ro tập trung, rủi ro đạo đức, rủi ro mất khả năng thanh toán của các tổ chức tín dụng, góp phần bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật đã điều chỉnh giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan tương ứng từ không được vượt quá 15% và 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm xuống còn 10% và 15%.

   Có thể thấy, quy định này chặt chẽ hơn so với Luật hiện hành, góp phần hạn chế rủi ro tập trung, rủi ro đạo đức, rủi ro mất khả năng thanh toán của các tổ chức tín dụng. Cụ thể, quy định này sẽ hạn chế việc các tổ chức tín dụng cấp quá nhiều tín dụng cho một khách hàng, một nhóm khách hàng hay một lĩnh vực kinh tế nhất định. Điều này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ các tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng bởi rủi ro của khách hàng, rủi ro của lĩnh vực kinh tế mà khách hàng hoạt động.

   Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, quy định giới hạn cấp tín dụng của dự thảo Luật cũng còn hạn chế cần được tiếp tục hoàn thiện. Theo đó việc quy định giảm ngay giới hạn cấp tín dụng xuống 10% và 15% so với hiện tại là 15% và 25% sẽ gây tác động đột ngột đến hoạt động của các tổ chức tín dụng và chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó điều này cũng gây ảnh hưởng tới việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp từ đó gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc phát triển kinh doanh và mở rộng dự án. Hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về vốn thì việc áp thêm các quy định hạn chế tín dụng thì sẽ là rào cản lớn. Bởi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng đang được các tổ chức tín dụng cấp. Trên thực tế, khi chưa thực hiện điều chỉnh giảm thì đã có doanh nghiệp gần như chạm trần tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng tại tất cả các ngân hàng thương mại nhà nước. Chính vì vậy quy định về giới hạn cấp tín dụng cần phải theo hướng giảm giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan theo những lộ trình cụ thể để đảm bảo giảm dần giới hạn cấp tín dụng, tránh việc tác động đột ngột đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, hạn chế tập trung tín dụng vào một nhóm khách hàng.

MỜI QUÝ KHÁCH THEO DÕI BÀI VIẾT >> TƯ VẤN LUẬT TÀI CHÍNH VÀ NGÂN HÀNG

Câu hỏi 3: Không chỉ siết mạnh room tín dụng được cấp cho khách hàng, dự thảo luật còn mở rộng định nghĩa phạm vi, đối tượng về người có liên quan và mở rộng người có quan hệ huyết thống. Điều này dẫn đến tổng dư nợ cấp tín dụng cho nhóm khách hàng sẽ thấp hơn trước rất nhiều. Do mối quan hệ hai chiều nên bản thân các ngân hàng cũng chịu áp lực nếu Điều 136 trong dự thảo luật được thông qua. Ông đánh giá như thế nào về quy định này, quy định này đang bất cập như thế nào?

Trả lời:

Dự thảo Luật có sự điều chỉnh về phạm vi các đối tượng được xem là người có liên quan của một chủ thể. Việc mở rộng phạm vi như dự thảo có thể được xem là một biện pháp thắt chặt quản lý. Tuy nhiên tôi cho rằng quy định còn có sự bất cập. Cụ thể:

Mở rộng rộng phạm vi đối tượng người có liên quan dẫn đến tổng dư nợ cấp tín dụng cho nhóm khách hàng sẽ thấp hơn trước rất nhiều. Ngân hàng có thể sẽ bị thu hẹp lượng khách hàng và khách hàng cũng sẽ bị thu hẹp về nguồn vốn được tiếp cận. Như vậy, có thể gây tác động bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng. Vấn đề này có thể ảnh hưởng lớn và tức thời, đó là nguồn cung vốn cung ứng cho nền kinh tế bị hạn chế hơn, trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay, kinh tế giảm sút, lãi suất tăng cao, tín dụng tăng trưởng thấp, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vào nền kinh tế yếu, kênh huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề nên gần như không đảm bảo vai trò huy động vốn cho phát triển.

Bên cạnh đó hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt với trạng thái tín dụng đang khó mà bây giờ bị đột ngột dừng thì ngân hàng cũng khó chuyển tín dụng qua khách hàng mới. Quy định quá chặt sẽ vừa làm khó các ngân hàng vừa làm giảm tính thị trường của ngân hàng thương mại. Ngay ở hiện tại, quy định hạn mức tối đa cũng đã gây khó cho các tổ chức kinh tế. Việc điều chỉnh theo hướng giảm tỷ lệ tối đa cho vay sẽ gây khó khăn cho người đi vay, đặc biệt là các doanh nghiệp vì phải tiếp cận cùng lúc với nhiều ngân hàng mới đảm bảo đủ nguồn lực tài chính để triển khai dự án, các chi phí liên quan đến tài chính cũng sẽ cao hơn rất nhiều

Kỳ vọng vào những thay đổi quan trọng của luật các tổ chức tín dụng
Kỳ vọng vào những thay đổi quan trọng của luật các tổ chức tín dụng ( Ảnh minh hoạ)

Câu hỏi 4: Quốc tế xử lý vấn đề này như thế nào? Việt Nam có thể học gì từ họ, thưa ông?

Trả lời:

             Trung Quốc cũng là một trong số ít các quốc gia có sử dụng công cụ room tín dụng trong điều hành chính sách tiền tệ. Trong giai đoạn gần đây khi Chính phủ Trung Quốc siết chặt thị trường bất động sản. Với mục tiêu quản lý thị trường này, khái niệm 3 “lằn ranh đỏ” đã ra đời bao gồm: (1) Tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản (không bao gồm các khoản ứng trước) tối đa 70%, (2) Tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu tối đa 100% và (3) Tỷ lệ thanh toán tiền mặt/nợ ngắn hạn. Nếu vượt cả ba “lằn ranh đỏ” đó, chủ đầu tư đó sẽ không được phép vay thêm tiền từ ngân hàng. Như vậy, có nghĩa là nếu chưa thanh toán khoản nợ hiện tại hoặc cải thiện tỷ lệ nợ tổng thể thì các công ty bất động sản sẽ không thể vay thêm vốn từ ngân hàng.

Với hàng loạt động thái siết chặt diễn ra, nguồn cung nhà ở Trung Quốc bỗng chốc thiếu hụt đột xuất, trong khi nhu cầu nhà ở vẫn tăng theo lẽ tự nhiên đã khiến giá nhà tại Trung Quốc biến động không kiểm soát. Kỳ vọng của Chính phủ Trung Quốc đã không đạt được. Kể từ cuối tháng 4/2022, Chính phủ Trung Quốc đã phải thực hiện các hoạt động dần nới lỏng. Thậm chí không chỉ nới lỏng giới hạn tín dụng cho các ngân hàng cho vay khu vực bất động sản mà còn cho phép 3 nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc phát hành trái phiếu để giúp thúc đẩy tâm lý thị trường. Các công ty chứng khoán sẽ phát hành đồng thời các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) hoặc chứng quyền giảm thiểu rủi ro tín dụng (CRMW) để thu hút các nhà đầu tư mua trái phiếu, giúp các nhà phát triển bất động sản tư nhân huy động vốn từ thị trường.

           *Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam:

Trung Quốc là bài học lớn đối với Việt Nam. Thắt chặt room tín dụng hay kiểm soát bằng công cụ room tín dụng theo cách “hành chính” đang là nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng dòng vốn vào bất động sản tại quốc gia tỷ dân này. Như vậy, có thể thấy rằng room tín dụng không phải là một công cụ duy nhất và cũng không một Ngân hàng trung ương của quốc gia nào chỉ sử dụng room tín dụng làm công cụ điều hành. Bên cạnh Trung Quốc, một số quốc gia như: Nhật Bản, Úc, Croatia và các nước Bắc Âu cũng sử dụng công cụ room tín dụng tuy nhiên khi hệ thống ngân hàng phát triển, công cụ này tại đa số các quốc gia đã được xóa bỏ. Do đó, Việt Nam nên dần xóa bỏ cơ chế quản lý theo room tín dụng. Cần có lộ trình đặt ra trong 3-5 năm và xây dựng kế hoạch thực hiện cũng như giải pháp cụ thể.

Câu hỏi 5: Cuối cùng, làm thế nào để sửa đổi quy định này?

Trả lời:

Trước đó, cho ý kiến về dự án luật này khi thảo luận tại kỳ họp Quốc hội năm 2023, một số đại biểu cho rằng ngay ở hiện tại, quy định hạn mức tối đa cũng đã gây khó cho các tổ chức kinh tế. Việc điều chỉnh theo hướng giảm tỷ lệ tối đa cho vay sẽ gây khó khăn cho người đi vay, đặc biệt là các doanh nghiệp vì phải tiếp cận cùng lúc với nhiều ngân hàng mới đảm bảo đủ nguồn lực tài chính để triển khai dự án, các chi phí liên quan đến tài chính cũng sẽ cao hơn rất nhiều; đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về giới hạn cấp tín dụng, việc xác định lộ trình giảm như dự kiến cũng chưa đủ cơ sở.

Nên để sửa đổi quy định về giới hạn cấp tín dụng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng. Cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động của quy định hiện hành đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân và khả năng hoạt động của các tổ chức tín dụng trước khi đưa ra sửa đổi. Cũng như phải đánh giá được tác động của việc sửa đổi và thay thế quy định hiện hành đó trên thực tế sẽ ảnh hưởng như thế nào, có lợi hay có hại nhiều hơn rồi để từ đó lựa chọn phương án sửa đổi phù hợp nhất với mục tiêu đã xác định.

Một số phương án có thể được xem xét như:

Thứ nhất, giữ nguyên giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan: Phương án này sẽ không ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, cần có các biện pháp khác để hạn chế rủi ro tập trung, rủi ro đạo đức, rủi ro mất khả năng thanh toán của các tổ chức tín dụng.

Thứ hai, giảm giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan nhưng không mở rộng định nghĩa phạm vi, đối tượng về người có liên quan: Phương án này sẽ vẫn hạn chế rủi ro tập trung, rủi ro mất khả năng thanh toán của các tổ chức tín dụng, nhưng sẽ giảm tác động đến khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân.