Giải quyết nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng.

0
74

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật SBLAW trả lời báo chí về vấn đề thẻ tín dụng:

Câu hỏi 1: Dưới góc nhìn về pháp lý, trường hợp nợ thẻ tín dụng quá hạn tại ngân hàng, phía ngân hàng phải có nghĩa vụ đến đâu trong việc thông báo/nhắc nợ/ đòi nợ đến khách hàng, thưa ông?

Trả lời:

Hiện nay, chưa có quy định pháp luật cụ thể về nghĩa vụ thông báo/ nhắc nợ/ đòi nợ của ngân hàng đến khách hàng trong trường hợp nợ thẻ tín dụng quá hạn, song, điểm c khoản 2 Điều 22 Thông tư 39/2016/TT-NHNN Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng có nêu rõ về việc các tổ chức tín dụng (trong đó có ngân hàng) phải có quy định nội bộ liên quan tới việc kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng. Thêm vào đó, khoản 2 Điều 21 của Thông tư nói trên cũng nêu: Trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, thì tổ chức tín dụng có quyền áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo thỏa thuận cho vay, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật có liên quan. Do đó, có thể kết luận rằng, trách nhiệm, đi kèm với quyền thông báo/ nhắc nợ/ đòi nợ của ngân hàng phụ thuộc vào quy định của ngân hàng tại thời điểm cho vay thông qua thẻ tín dụng hoặc có thể được thỏa thuận dựa trên hợp đồng cho vay với khách hàng.

LS Nguyễn Thanh Hà
LS Nguyễn Thanh Hà

Câu hỏi 2: Các biện pháp đòi nợ của ngân hàng với các trường hợp nợ quá hạn là gì?

Trả lời:

Nợ quá hạn là các khoản vay tới thời hạn trả nhưng khách hàng không thể thanh toán. Việc này làm ảnh hưởng tới ngân hàng và khách sẽ bị đưa vào nhóm nợ quá hạn.

Nợ quá hạn được chia thành hai loại:

Nợ quá hạn có tài sản đảm bảo: Là các khoản vay có tài sản thế chấp nhưng chưa được giải thế chấp khi tới hạn. Đối với các khoản vay quá hạn thế chấp thì rất có thể tài sản sẽ bị thanh lý để bù nợ.

Nợ quá hạn không có tài sản thế chấp: Là các khoản vay tín chấp không cần tài sản thế chấp nhưng khi tới thời hạn không thanh toán được. Người vay chứng minh uy tín của mình mà không thông qua tài sản đảm bảo. Điều này đem lại khá nhiều rủi ro cho các ngân hàng và tổ chức tài chính.

Hiện nay, các ngân hàng thường thực hiện các biện pháp đòi nợ quá hạn như:

–             Trực tiếp liên lạc với khách hàng để thông báo về việc trả nợ;

–             Thông báo cho cơ quan, doanh nghiệp nơi khách hàng làm việc để yêu cầu hỗ trợ ngân hàng thu hồi nợ;

–             Cơ cấu lại khoản vay (Điều chỉnh lại kỳ hạn trả, nếu xét thấy khách hàng không trả đúng kỳ hạn như hợp đồng, nhưng được đánh giá có khả năng trả nợ trong kỳ hạn tiếp theo. Gia hạn nợ, nếu xét thấy khách hàng không trả nợ theo đúng hợp đồng, nhưng có khả năng trả nợ trong thời gian nhất định sau khi kết thúc thời hạn vay)

–             Bán lại khoản nợ cho VAMC;

–             Khởi kiện ra tòa án;

–             Nếu có tài sản thế chấp thì ngân hàng sẽ tiến hành xử lý tài sản đảm bảo, nhằm thu hồi vốn.

–             Lưu lịch sử nợ xấu trên CIC để hạn chế khách hàng thực hiện các khoản vay về sau.

Câu hỏi 3: Theo Luật tín dụng, trường hợp khách hàng nợ gốc 8,5 triệu đồng như anh A. phương thức tính nợ lãi là gì? Liệu có thể lên đến con số “khủng” 8,8 tỷ đồng sau 11 năm không thưa ông?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì cách tính lãi suất như sau:

Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;

Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định trên, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;

Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn theo công thức:

Lãi quá hạn = Số tiền còn lại x Lãi suất hợp đồng (năm) x 150% x Thời gian quá hạn

– Trong trường hợp nợ gốc 8,5 triệu đồng của anh A, có thể ngân hàng đã áp dụng lãi suất kép, cộng gộp, nhập lãi vào gốc, tính theo từng tháng, nên việc nhảy từ 8,5 triệu đồng lên 8,8 tỉ đồng là hoàn toàn có thể xảy ra, nếu lãi suất nợ quá hạn khoảng 70%/năm.

MỜI QUÝ KHÁCH THEO DÕI BÀI VIẾT >> TƯ VẤN LUẬT TÀI CHÍNH VÀ NGÂN HÀNG

Câu hỏi 4: Đặt giả thiết về trường hợp giả định khoản nợ của khách hàng được xác minh là đúng, Eximbank tính lãi đúng, thì khách hàng có trách nhiệm đến đâu với khoản nợ này thưa ông?

Trả lời:

Khoản 2, điều 21 Thông tư 39/2016/TT-NHNN Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng nêu: Trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, thì tổ chức tín dụng có quyền áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo thỏa thuận cho vay, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp sau khi áp dụng các biện pháp thu hồi nợ nhưng vẫn không đủ để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đối với tổ chức tín dụng, thì khách hàng có trách nhiệm tiếp tục trả đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay cho tổ chức tín dụng.

Có thể thấy rõ, điều khoản trên đã quy định rất rõ về trách nhiệm của khách hàng trong trường hợp này là phải trả đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay cho phía ngân hàng.

Rủi ro trong sử dụng thẻ tín dụng
Rủi ro trong sử dụng thẻ tín dụng

Câu hỏi 5: Theo ông, Eximbank có quyền “siết” các tài sản cá nhân khác của khách hàng để thu hồi công nợ? Theo luật, khách hàng phải đối diện với hình phạt nào nếu Eximbank khởi kiện?

Trả lời:

Eximbank không được quyền “siết nợ” tài sản cá nhân khác để bù trừ, thu hồi công nợ bởi đây không phải khoản nợ có bảo đảm.

Trường hợp Eximbank muốn thu hồi công nợ, Eximbank có thể khởi kiện khách hàng đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết vụ việc.

Căn cứ Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 về quyền khởi kiện vụ án, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trong trường hợp đến hạn trả nợ mà người vay cố tình không trả mặc dù có khả năng trả nợ, hoặc có hành vi bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản, hoặc do đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp… dẫn đến không có khả năng thanh toán nợ, bên vay có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015.

Tùy vào hoàn cảnh, khả năng tài chính của người vay, để có thêm thời gian trả nợ, bên vay nên chủ động thương lượng với ngân hàng để được ngân hàng áp dụng các biện pháp như điều chỉnh lại kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, giảm trừ nợ.

Câu hỏi 6: Trường hợp ngân hàng áp dụng lãi suất không đúng quy định thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm ra sao?

Trả lời:

Với trường hợp ngân hàng áp dụng lãi suất không đúng quy định.

Căn cứ khoản 3 Điều 14 Nghị định 88/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm c khoản 9 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP quy định như sau:

“Vi phạm quy định về cấp tín dụng

  1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
  2. a) Lập hợp đồng, thỏa thuận cấp tín dụng không đủ các nội dung theo quy định của pháp luật;
  3. b) Miễn, giảm lãi suất cấp tín dụng khi chưa ban hành quy định nội bộ;
  4. c) Chuyển nợ quá hạn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ không đúng quy định của pháp luật;
  5. d) Áp dụng lãi suất cấp tín dụng không đúng quy định của pháp luật;

đ) Thu lãi nợ quá hạn không đúng quy định của pháp luật;

  1. e) Thu nợ khoản vay bị quá hạn trả nợ không đúng quy định của pháp luật […]”.

Khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:

“Hình thức xử phạt, mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả:

  1. Mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền:

[…]

  1. b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân;”

Đối với tổ chức vi phạm thì áp dụng mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Như vậy, hành vi áp dụng lãi suất cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.