Quản lý thị trường vàng thế nào?

0
310

SBLAW trân trọng giới thiệu bài viết của luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW về vấn đề quản lý thị trường vàng theo nghị định 24, bài viết đăng trên tạp chí luật sư Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp vào thị trường vàng?

Năm 2023, do căng thẳng địa chính trị, ngoại giao, xung đột vũ trang tại một số khu vực trên thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, kinh tế toàn cầu có dấu hiệu tăng chậm khiến giá vàng quốc tế biến động mạnh theo hướng tăng là chủ đạo.

Tại thị trường Việt Nam, mặc dù nhu cầu vàng miếng SJC đã giảm so với giai đoạn trước khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành nhưng thị trường vẫn chưa hoàn toàn ổn định. Vì vậy, có thể thấy nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng mạnh những ngày vừa qua chủ yếu do yếu tố tâm lý trước đà tăng liên tục của giá vàng quốc tế. Do vậy, những ngày giá vàng quốc tế biến động tăng mạnh, giá vàng miếng SJC trong nước thường tăng với tốc độ nhanh hơn.

Giá vàng trong những ngày qua biến động rất mạnh, có thời điểm đã vượt mức 80 triệu đồng/lượng, cao hơn thế giới gần 20 triệu đồng. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã kéo giãn khoảng cách giữa mua và bán lên tới 4 – 5 triệu đồng và đẩy rủi ro về phía người mua. Từ đó có thể thấy vàng là tài sản có giá trị cao và giá vàng thường biến động mạnh và khó lường. Nhưng theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Luật giá số 11/2012/QH13 ngày 20/6/2012 quy định: “1. Hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống”. Vàng là hàng hóa có giá trị cao, nhưng không phải là sản phẩm thiết yếu cho sản xuất và đời sống. Nên căn cứ quy định hiện hành, vàng không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước cần bình ổn giá. Bên cạnh đó, qua theo dõi thị trường trong những ngày giá vàng miếng SJC biến động tăng, khối lượng giao dịch mua, bán vàng miếng SJC có tăng nhẹ nhưng không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng như giai đoạn trước đây. Nhưng sau khi tăng cao thì giá vàng miếng SJC lại có chiều hướng giảm dần từ chiều ngày 28/12.

Trước những diễn biến bất thường của vàng SJC, Thủ tướng đã có Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023, yêu cầu NHNN và các bộ ngành có biện pháp bình ổn giá vàng, quản lý điều hành giá vàng miếng theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa vàng miếng và thế giới ở mức cao như thời gian qua. Sau chỉ đạo nóng của Thủ tướng, chiều cùng ngày, NHNN đã phát đi thông cáo cho biết tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và chuẩn bị sẵn sàng phương án can thiệp thị trường vàng. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ban ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động kinh doanh vàng. Bên cạnh đó thì NHNN cũng chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng có thể là thông qua việc tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường hoặc là dùng USD hiện có trong quỹ dự trữ ngoại hối để nhập vàng từ thị trường quốc tế để có thể làm giảm tình trạng cơn sốt vàng như hiện nay. Tuy nhiên những biện pháp can thiệp này cũng có những hạn chế nhất định.

Quản lý thị trường vàng thế nào.jpg
Quản lý thị trường vàng thế nào.jpg

Biện pháp can thiệp

Giải pháp đầu tiên là xuất vàng từ quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia để tăng cung vàng nhằm mục đích hạ nhiệt giá vàng trong nước, nhưng liệu NHNN có thể xuất được bao nhiêu vàng từ nguồn này để bình ổn thị trường. Các ngân hàng trung ương thường duy trì một tỷ lệ nhất định của từng loại tài sản có trong quỹ dự trữ ngoại hối của mình, gồm các loại ngoại tệ mạnh, Quyền rút vốn đặc biệt từ IMF, vàng, và một số loại tài sản khác. Mục đích một phần là để đa dạng hóa danh mục tài sản cũng như tính đến biến động rủi ro của từng loại tài sản trong từng thời kỳ. Nếu như NHNN muốn xuất vàng trong kho dự trữ để can thiệp thì lập tức tỷ lệ nắm giữ vàng sẽ sụt xuống thấp hơn mức mục tiêu mà họ đặt ra. Điều này buộc NHNN nếu có muốn xuất vàng thì cũng chỉ có thể xuất ở một mức độ nhất định. Như vậy, có thể thấy dù có muốn can thiệp bằng cách dùng vàng trong quỹ dự trữ ngoại hối của mình thì NHNN cũng chỉ có thể can thiệp với một nguồn lực không đáng kể nếu so với nhu cầu nắm giữ của người dân nếu trong nước lên cơn sốt vàng trong thời gian tới.

Về giải pháp thứ hai là NHNN sẽ can thiệp vào thị trường vàng trong nước bằng cách dùng USD hiện có trong quỹ dự trữ ngoại hối để nhập vàng từ thị trường quốc tế. Nhưng cách này sẽ làm hao hụt dự trữ ngoại hối, vốn là một điều khá nhạy cảm, có thể thấy được trong những thời điểm mà NHNN phải cân nhắc có can thiệp ổn định tỷ giá USD/VND hay không. Cho nên sự cần thiết phải dùng USD trong quỹ dự trữ ngoại hối để can thiệp vào thị trường vàng trong nước càng phải được cân nhắc hơn khi rủi ro. Nếu không may mà cùng một lúc NHNN phải xuất USD để bình ổn cả hai thị trường vàng và ngoại tệ cùng một lúc thì rõ ràng đây không phải là kịch bản được mong chờ.

Hiện nay sau khi tăng cao thì giá vàng miếng SJC đã có chiều hướng giảm dần và cũng không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng. Cho nên phía NHNN vẫn chưa cần can thiệp trực tiếp vào thị trường mà vẫn tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và chuẩn bị sẵn sàng phương án can thiệp thị trường vàng nếu có biện động bất thường. Đồng thời NHNN cũng tổng kết, đánh giá việc triển khai Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trong tháng 1/2024, NHNN sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.

Bởi theo như quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP, NHNN quản lý hoạt động xuất nhập khẩu vàng miếng, nhưng từ 2014, không cấp phép nhập khẩu vàng về để sản xuất vàng miếng. Từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành, Công ty SJC không được sản xuất vàng miếng, NHNN chỉ thuê Công ty gia công vàng miếng khi có nhu cầu và hoạt động này được thực hiện dưới sự giám sát của NHNN. Do đó, khiến nguồn cung vàng nguyên liệu bị hạn chế, đẩy giá vàng SJC cao hơn so với các thương hiệu khác. Kéo theo đó, nhiều doang nghiệp sản xuất vàng cũng gặp khó khi tìm vàng nguyên liệu. Điều này cho thấy những bất cập của Nghị định 24/2012/NĐ-CP quản lý hoạt động kinh doanh vàng đang bộc lộ rõ nét trong thời gian hiện nay.

Có thể thấy Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã phát huy rất tốt vai trò trong nỗ lực chống vàng hóa, đô la hóa, song hiện nay đang có những bất cập nhất định làm mất cân đối giữa cung – cầu dẫn đến độ cách biệt khá lớn giữa vàng miếng SJC với các thương hiệu vàng khác, đây là một vấn đề mà NHNN cần nghiên cứu để có chính sách sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.

Sau hơn 10 năm quản lý theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP, tình trạng người dân đổ xô đi mua hay bán vàng đã không còn như trước kia. Tâm lý đầu cơ tích trữ vàng đã giảm bớt, nên các việc thay đổi chính sách độc quyền vàng của Ngân hàng Trung ương lúc này là phù hợp. Hay nói cách khác, NHNN chỉ nên đóng vai trò là nhà quản lý, giám sát chất lượng sản xuất vàng miếng thay vì giữ quyền sản xuất vàng miếng như hiện tại. Điều này sẽ giúp chênh lệch giữa giá các loại vàng trang sức quay về ngang bằng với giá vàng thế giới. trong một khoảng giá trị nhất định mà không gây ảnh hưởng đến tỉ giá. Điều này sẽ hỗ trợ không chỉ cho những công ty trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài, cũng như việc kinh doanh vàng trong nước lẫn hoạt động xuất khẩu, đóng góp tốt hơn cho sự phát triển nền kinh tế.

Mời quý khách theo dõi bài viết >> Tư vấn luật tài chính và ngân hàng