Có nên dừng việc mua bán sáp nhập doanh nghiệp hậu Covid?

0
759

Luật sư Nguyễn Thanh Hà-Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã trả lời vtv4 đài truyền hình việt nam về vấn đề mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay

1. Ông đánh giá như thế nào về các thị trường mua bán sáp nhập đầu năm? (Bản chất các thương vụ M&A này như thế nào? Chủ yếu trong những lĩnh vực như thế nào?)

Trả lời:

Trong đầu năm nay, dòng vốn mua bán và sáp nhập (M&A) đã có dấu hiệu tăng nhanh với nhiều thương vụ xuất hiện trong các lĩnh vực khác nhau.

Đơn cử, ngân hàng Nhật Bản Aozora Bank đã công bố ý định mua lại 15% cổ phần của ngân hàng OCB, một phần thông qua lượng cổ phiếu hiện có, đồng thời mua thêm một lượng cổ phiếu phát hành thêm. Giá trị của thương vụ M&A này được kỳ vọng ở mức 139 triệu USD.

Hay như Tập đoàn bất động sản An Gia quyết định mua lại 70% vốn của công ty bất động sản Lê Gia, đồng thời qua đó sở hữu Dự án Khu nhà ở Lê Gia Plaza tại Bình Dương, thương vụ M&A này có giá trị khoảng 600 tỷ đồng.

Còn trên lĩnh vực nông nghiệp, người khổng lồ ngành ô tô Thaco tiếp tục gây bất ngờ khi quyết định mua lại 35% cổ phần của thủy sản đang gặp nhiều khó khăn là Hùng Vương, đồng thời thành lập liên doanh nghìn tỷ với Hùng Vương để đầu tư trang trại nuôi heo chất lượng cao. Dự kiến các sản phẩm thịt heo thương phẩm sẽ bắt đầu ra mắt thị trường vào tháng 8 năm nay.

Một vài thương vụ khác đến từ nhà đầu tư Thái Lan như Công ty Năng lượng Thái Lan Super Energy Corporation dự kiến chi tới 456,7 triệu USD để đầu tư vào cụm 4 dự án Nhà máy điện tại tỉnh Bình Phước; Tập đoàn đa ngành của Thái Lan – SCG – tuyên bố sẽ mua cổ phần CTCP Bao bì Biên Hoà (SVI); Tập đoàn Stark của Thái Lan mua lại 100% vốn tại CTCP Cáp điện Thịnh Phát và CTCP Kim loại màu và nhựa đồng Việt (Dovina), …

Những cú bắt tay này đã cho thấy xu hướng tái cấu trúc, mở rộng đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam và chủ yếu trong các lĩnh vực tiềm năng như ngân hàng, nông nghiệp công nghệ cao, bất động sản, …Đầu năm nay do dịch Covid kéo dài mà có thể ảnh hưởng đến hoạt động M&A của các doanh nghiệp, tuy nhiên với những thương vụ trước mắt như trên thì hy vọng rằng sẽ có nhiều lĩnh vực sáp nhập được mở rộng hơn nữa.

2. Tại sao trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như vậy mà hoạt động M&A vẫn khá sôi động?

Trả lời:

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có thể nói tất cả các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng, tuy nhiên tùy vào từng lĩnh vực mà có thể bị ảnh hưởng ít hay nhiều. Thực tế có những thương vụ được diễn ra để đáp ứng mục tiêu trước đó, và để đáp ứng được kế hoạch thì thời gian là vấn đề thiết yếu.

Ví dụ đối với dự án đất xây dựng, quá trình xin giấy phép từ giai đoạn xin phê duyệt tổng mặt bằng và quy hoạch kiến trúc, cho đến cấp giấy phép xây dựng là rất gian nan. Nếu không kịp thời đẩy nhanh quy trình và tiến độ trong việc triển khai các bước trên sẽ kéo dài thời gian đọng vốn của chủ đầu tư, khiến DN rơi vào tình trạng cạn kiệt về tài chính, lại không thể bán chuyển nhượng giao dịch khi giấy phép chưa hoàn tất. Vì vậy, thay vì tự phát triển quỹ đất thì M&A các dự án giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian thủ tục pháp lý cũng như giải tỏa mặt bằng.

Hay các nhà đầu tư có nguồn vốn vững chắc vẫn lựa chọn thời điểm này để tìm mua các tài sản đang bị áp lực nợ, hoặc những tài sản trước đây không có nhu cầu chuyển nhượng, nhưng giờ do cần huy động nguồn tiền mà được đưa ra chào bán.

3. Nguy cơ gì nếu các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt thâu tóm các doanh nghiệp Việt? Ảnh hưởng đến doanh nghiệp thế nào và ảnh hưởng đến nền kinh tế ra sao?

Trả lời:

Việc các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các doanh nghiệp trong nước đang thiếu vốn hoặc đang gặp khó khăn là điều rất bình thường. Đây là thời gian các nhà đầu tư lùng sục các doanh nghiệp nhỏ bán cổ phần với giá rẻ để đầu tư.

Bên cạnh lý do tiềm năng của doanh nghiệp Việt hấp dẫn thì trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Việt đang bị tổn thương nặng nề do chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, hiện tượng các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt mua lại cổ phần doanh nghiệp trong nước có thể dẫn tới nguy cơ các nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ giai đoạn khó khăn này để thôn tính các doanh nghiệp này.

Theo đó, việc góp vốn, mua cổ phần tại những doanh nghiệp bình thường thì nên để diễn ra tự nhiên, nhưng với những doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực mang tính cốt lõi, chiến lược, có tác động xã hội lớn thì cần phải có sự kiểm soát.

4. Có nên tạm dừng việc mua bán sáp nhập hay không?

Trả lời:

Trong thời điểm hiện tại chưa thực sự cần thiết để dừng việc mua bán sáp nhập, và cũng chưa đủ cơ sở pháp lý để thực thi. Đặc biệt là đối với tình hình dịch bệnh như hiện nay, rất nhiều các doanh nghiệp trong nước đang đứng trước nguy cơ phá sản mà không biết huy động vốn ở đâu vì đây là tình hình khó khăn chung. Vậy họ rất cần đến biện pháp M&A như một giải pháp cứu nguy khẩn cấp để giúp họ vượt qua khủng hoảng. Nếu tạm dừng hoạt động này thì chính là đã tước đi của họ một đặc quyền để cứu lấy doanh nghiệp của mình.

Ngoài ra, nếu dừng hoạt động M&A có thể dẫn đến nhiều hệ quả cho nền kinh tế trong nước khi mà:

Thứ nhất, hiện có 74% doanh nghiệp trả lời có nguy cơ phá sản do dịch Covid19. Tỷ lệ này là vô cùng cao, và nếu họ không được thực hiện biện pháp cứu nguy này thì con số trên không còn là nguy cơ nữa. Nếu các doanh nghiệp trên phá sản thì đương nhiên nền kinh tế sẽ bị suy giảm nặng nề

Thứ hai, các công ty phá sản thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao, GDP giảm mạnh trở thành gánh nặng cho xã hội và nền kinh tế nước nhà.

Vì vậy, việc tạm dừng mua bán sáp nhập là không đủ cơ sở và cũng không cần thiết trong thời điểm này.

5. Các giải pháp cho vấn đề này ở thời điểm hiện tại?

Trả lời:

Hoạt động này tiềm ẩn rủi ro nhưng cũng là cơ hội cho nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể tham gia M&A để mở rộng đầu tư. Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tiếp tục đẩy nhanh triển khai các chính sách hỗ trợ và khơi thông cơ chế để tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua thời điểm sinh tử.

Ðồng thời, để tránh hiện tượng các doanh nghiệp nước ngoài sẽ thâu tóm thị trường Việt Nam cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể tham khảo các giải pháp được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng để bảo vệ doanh nghiệp trong nước như: Kiểm soát dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài qua hoạt động góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước, cân nhắc mua cổ phần tại các doanh nghiệp chủ chốt trong các lĩnh vực ngân hàng, dầu khí, hàng không, năng lượng, … của nền kinh tế.