Nhân ngày 8 tháng 3 năm 2018, luật sư Nguyễn Thị Thu, luật sư thành viên của SBLAW đã dành cho báo Diễn đàn doanh nghiệp bài trả lời phỏng vấn.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài trả lời phỏng vấn tại đây:
Thưa bà, trong quá trình hành nghề nữ luật sư sẽ gặp được những khó khăn và thuận lợi như thế nào so với nam giới?
TRẢ LỜI:
Như bất kỳ một công việc nào khác, không riêng gì công việc luật sư, phụ nữ đều gặp những khó khăn chung như sau:
- Thời gian. Là phụ nữ, luôn luôn thiếu thời gian để cân bằng giữa công việc và gia đình, đặc biệt trong giai đoạn nuôi con nhỏ (dưới 3 tuổi), và đặc biệt hơn với những phụ nữ có tính cầu toàn cao, vừa muốn thăng tiến trong sự nghiệp, lại vừa muốn chu toàn trong việc nuôi dưỡng, dạy dỗ con cũng như đảm bảo bầu không khí ấm cúng cho gia đình.
- Di chuyển. Việc đi công tác ngoại tỉnh hoặc di chuyển trong nội tỉnh với bán kính trên 30km/ngày cũng là một khó khăn, thách thức với phụ nữ. Khó khăn này xuất phát từ thể trạng của phụ nữ, đa phần, là yếu ớt và sức bền kém hơn nam giới, nói chung.
Ngoài những khó khăn chung mang tính chất giới tính như vậy, nữ luật sư còn phải đối mặt với những khó khăn đặc thù của nghề luật sư như sau:
- Làm thêm giờ hay nói cách khác là ở lại văn phòng làm việc sau khi đã hết giờ làm việc, hoặc mang việc về nhà làm tiếp do sức ép của thời hạn phải hoàn thành. Quy ước chung thành thông lệ của nghề luật sư hay các hãng luật là không có khái niệm làm thêm giờ, nên đôi khi vì áp lực phải hoàn thành đúng thời hạn hoặc vì việc phát sinh gấp hoặc đôi khi vì lệch múi giờ (trong trường hợp khách hàng là bên nước ngoài và có múi giờ lệch với Việt Nam) mà nữ luật sư phải làm việc ngoài thời gian làm việc quy định trong nội quy của hãng luật. Việc làm ngoài giờ này cũng xảy ra khá thường xuyên, đặc biệt với những hãng luật chỉ duy trì một lượng luật sư và trợ lý luật sư nhất định với khối lượng công việc nhiều và áp lực thời hạn, nhưng đổi lại, thu nhập là cao so với mặt bằng thị trường luật sư. Xuất phát từ đặc tính “giữ lửa cho mái ấm” mà nữ luật sư buộc phải cân bằng giữa công việc và gia đình, nhưng với khó khăn đặc thù của nghề thì thực tế là nhiều trường hợp nữ luật sư khi lập gia đình, buộc phải rời bỏ hãng luật mà mình đã gắn bó “thời con gái”, tìm đến một hãng luật với thời gian dễ thở hơn về mặt thời gian và lượng việc, hay tìm kiếm một vị trí nhân viên pháp chế cũng với mô tả công việc giới hạn hơn. Điều đó cũng một phần hạn chế sự thăng tiến, phát triển bản thân của nữ luật sư trong sự nghiệp. Mặt bằng chung là như vậy. Tuy nhiên, vẫn có những nữ luật sư thực sự có năng lực chuyên môn và khả năng tổ chức, sắp xếp việc nhà một cách ổn thoả để có thể vừa chu toàn cho gia đình, vừa thăng tiến trong nghề luật, dù chỉ là số ít trong xã hội hiện nay.
- Giới hạn về sức khoẻ, sức bền của phụ nữ cũng là một thách thức nếu so sánh với nam luật sư đồng nghiệp. Luật sư là một nghề mà áp lực công việc rất lớn do đặc thù là đòi hỏi tính chính xác, chuẩn mực, có căn cứ. Tính chịu áp lực của phụ nữ theo mặt bằng chung nếu so sánh với nam giới, là thấp hơn. Điểm này, đối với nữ luật sư đảm trách các chức vụ quản lý như giám đốc khối, hay giám đốc điều hành hãng luật lại càng là một điểm khó khăn hơn nhiều.
- Cảm xúc. Phụ nữ nói chung là nhiều cảm xúc hơn so với nam giới. Việc kiểm soát cảm xúc của phụ nữ đôi khi cũng khó triệt để hơn so với nam giới. Và điểm này cũng gây khó khăn cho phụ nữ khi tư vấn hoặc thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Nó khác so với nam giới, cứ chiểu theo luật mà làm.
- Tiếp khách. Điểm này là khác biệt lớn giữa nữ luật sư và nam luật sư. Đặc thù của nghề luật sư, đặc biệt là luật sư độc lập, một phần trong cách thức làm việc là tiếp khách. Đôi khi việc tiếp khách không chỉ diễn ra ở văn phòng làm việc, mà có thể khách hàng mời ăn uống rồi trao đổi công việc. Đó cũng là một khía cạnh tế nhị và khó khăn với nữ luật sư, đặc biệt là những nữ luật sư có chồng hay bạn trai bị mắc bệnh “ghen quá”.
Tuy vậy, là phụ nữ hành nghề luật sư, cũng có những thuận lợi nhất định so với nam giới, mà tôi có thể kể ra đây một vài điểm để minh hoạ:
- Phụ nữ có tính ôn hoà cao hơn so với đàn ông. Sự mềm mại trong giao tiếp của họ có thể thuận lợi hơn cho công việc, đặc biệt trong việc đàm phán hợp đồng hay hoà giải tranh chấp giữa các bên đương sự. Việc giữ bình tĩnh của phụ nữ nói chung cũng tốt hơn so với đàn ông, nên đặc biệt trong các buổi họp thương lượng, đàm phán, ở vai trò điều phối, nữ luật sư cũng dễ giữ cho bầu không khí đàm phán được ôn hoà, hoặc có thể kiềm chế được các bên khi có xung đột gay gắt về mặt quan điểm.
- Khả năng diễn đạt của phụ nữ nói chung đôi khi cũng tốt hơn đàn ông, nên đôi khi nữ luật sư ở vai trò “thuyết khách” cũng đạt hiệu quả cao hơn so với nam luật sư.
- Trong nghề luật sư tư vấn, cá nhân tôi luôn tâm niệm, cái được coi là giá trị nhất của dịch vụ tư vấn là giải pháp do luật sư đưa ra. Giải pháp ấy phải đảm bảo không trái luật, hay nói cách khác là đảm bảo tính hợp pháp, nhưng cao hơn là phải có tính khả thi. Do đó, bên cạnh việc phải có căn cứ (viện dẫn quy định của pháp luật) thì giải pháp phải đảm bảo hợp tình – mà yếu tố tình cảm cảm thì phụ nữ vốn, đa phần, mặt bằng chung, xét về mặt giới tính, là nhậy hơn so với đàn ông. Thế nên, khi phụ nữ hành nghề luật sư, họ phát huy được sở trường từ đặc thù giới tính mà có thể giải pháp họ đưa ra cho khách hàng cũng có tính khả thi hơn.
Theo bà, nữ luật sư sẽ cần những yếu tố nào để có thể thành công so với nam giới?
TRẢ LỜI:
- Sức khoẻ và sức bền là yếu tố đầu tiên về mặt thể lực mà tôi khuyên tất cả các cô gái hoặc các phụ nữ muốn theo đuổi nghề luật cần phải có. Hành nghề luật sư 16 năm nay, cho tôi trải nghiệm đó. Với áp lực rất cao của nghề, không có sức bền, rất khó để theo đuổi đến cùng của chân lý.
- Kỹ năng mềm cần có như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng làm việc nhóm cần phải được rèn luyện và cập nhật theo từng giai đoạn phát triển và thăng tiến trong sự nghiệp.
- Kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội, kiến thức sống cần phải được cập nhật, bồi dưỡng thường xuyên, liên tục để đảm bảo giải pháp đưa ra cho khách hàng là hợp pháp, hợp tình, có tính khả thi cao.
Trong quá trình làm nghề, bà có thể kể một ví dụ khiến bà ấn tượng khi làm nghề? (ví như phải làm mà không được ăn tết…)
TRẢ LỜI:
Một tình huống đã xảy ra trong cuộc đời làm luật sư mà tôi luôn nhắc đến, không quên được xảy ra vào kỳ nghỉ lễ 30/4 năm 2014. Năm ấy, nam luật sư đồng nghiệp cùng SB Law Firm với tôi, phụ trách một dự án bất động sản, không kịp hoàn thành công việc tư vấn cho dự án trước khi anh ấy đi nghỉ tuần trăng mật. Lỗi không phải do anh ấy, mà do dự án kéo dài hơn so với dự kiến. Anh ấy bàn giao lại cho tôi tiếp quản, và lên đường đi nghỉ. Tôi không có sự lựa chọn khác mà phải tiếp quản khi “đầu cua tai nheo” không nắm được từ đầu. Tôi vẫn nhớ 30/4 năm ấy vào cuối tuần, anh ấy bàn giao việc cho tôi vào ngày 28, mà khách thì đòi dự thảo hợp đồng chuyển nhượng dự án và báo cáo thẩm tra pháp lý của dự án vào sáng thứ 7 để họp cho kịp tiến độ (vì đã bị chậm).
Năm ấy, con gái tôi 4 tuổi. Tôi đã phải làm liên tục trong 2 ngày đêm, đêm vừa ngắm chồng ngáy khò khò và con gái thì thiếu hơi mẹ, phải ôm lấy bố, vừa gõ máy tính, trong lòng đầy hậm hực. Rồi cuối cùng cũng xong. Sáng thứ 7, tôi có mặt ở văn phòng của khách hàng – một công ty rất lớn trong một tập đoàn lớn của Việt Nam để thuyết trình. Kết quả là Giám đốc và cả Ban dự án ghi nhận, cảm ơn và đánh giá rất cao kết quả làm việc của tôi đối với dự án. Anh Giám đốc ra quyết định mua luôn, sau khi tôi trả lời được hết các phản biện của các thành viên trong Ban dự án về dự án. Tất cả đều hồ hởi, phấn khởi. Và đó là lúc tôi khuỵ xuống vì kiệt sức. Nhưng vẫn mỉm cười với sự hài lòng.