Đề xuất lấp hồ Thành Công: Xin hãy xem xét kỹ vì lợi ích cộng đồng

0
447

Trong bài viết Đề xuất lấp hồ Thành công: Xin hãy xem xét kỹ vì lợi ích cộng đồng đăng trên báo Dân Việt có trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW.

Đề xuất lấp đi 1ha hồ Thành Công để xây chung cư của đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng đã tạo thành cơn “bão” dư luận những ngày qua. Dân Việt nhận được nhiều ý kiến bạn đọc xung đề xuất này. Liên quan đến đề xuất này, bài viết dưới đây có trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà – Công ty Luật SBLAW.

“Hai ngày nay, dường như ở đâu người dân cũng bàn tán về chuyện này, thậm chí còn có cả những câu chửi thề tục tĩu… Không hiểu sao bây giờ lại có nhiều ý tưởng “độc đáo” như vậy? Hết đề xuất làm mô hình khỉ đột Kong, rồi đến đúc tượng rùa vàng ngay tại Hồ Gươm…

Ao, hồ như lá phổi của thành phố; không những điều tiết khí hậu mà còn là nơi chứa nước, tránh ngập lụt mỗi khi có mưa. Những năm qua, Hà Nội đã bị san lấp nhiều ao hồ, tốc độ đô thị hóa, mật độ dân số tăng nhanh đến chóng mặt, với số lượng ao, hồ hiện nay cũng chưa đáp ứng được sự phát triển dân số và đô thị. Chính vì thế, Hà Nội cứ mưa là ngập. Nay lại đề xuất lấp hồ thì không hiểu người nêu đề xuất đã suy nghĩ kỹ chưa?”.

“Người dân Hà Nội hẳn không ai quên được cái cảnh “phố cũng như sông”, và dường như từ người lớn đến trẻ con ai cũng thuộc câu hát chế này trong chương trình Táo Quân gần chục năm trước – nỗi ám ảnh đó còn đang hiện hữu và ngày càng trầm trọng hơn. Và Hà Nội bây giờ cứ mưa một tý là nước ngập ngang đầu gối. Theo tôi một trong những nguyên nhân dẫn đến tình cảnh lụt lội này là do ao hồ bị san lấp.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, tính từ năm 2010 đến nay, Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn. Đến năm 2015, các quận nội thành còn 112 hồ, giảm 10 hồ, với diện tích mặt nước là 72.540m2 so với năm 2010. Theo thống kê, thời điểm năm 1995, nội thành Hà Nội có tới 2.100ha mặt nước. Nhưng đến thời điểm này, diện tích mặt nước chỉ còn 1.165ha. Số diện tích thiếu hụt này được xác định một phần do đô thị hóa. Cụ thể như ở các khu vực mới phát triển là Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm… tốc độ xây dựng các khu đô thị mới tăng lên nhanh.

Việc lấp ao hồ là bài học nhãn tiền mà chúng ta đang phải trả giá bằng chính nỗi khổ của người dân mỗi khi mưa gió; bằng chính số tiền đầu tư rất lớn cho việc thoát nước mà đến giờ hiệu quả mang lại cũng rất khiêm tốn.

Tất nhiên những người ở chung cư cải tạo bao giờ cũng muốn tái định cư tại chỗ, và được ở vị trí đắc địa này. Nhưng hồ Thành Công là của chung, mọi người đều phải được hưởng lợi ích của nó mang lại; không thể vì lợi ích của một số người mà bỏ qua lợi ích của cả cộng đồng. Mặt khác, tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần tìm hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của đề xuất này”.

(Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW)

“Tôi thấy phía đơn vị đề xuất cũng đã có giải thích rất rõ ràng là việc lấp 1ha hồ không ảnh hưởng đến diện tích mặt nước tự nhiên của hồ nhưng tôi nghĩ nếu vậy, phía đề xuất phải chứng minh một cách rất minh bạch điều đó, không chỉ trước các cơ quan chức năng mà còn trước người dân. Tất nhiên, tôi nghĩ cũng có thể, đề xuất này xuất phát từ mong muốn để một số hộ dân ở chung cư Thành Công không phải di dời đến nơi ở cách chỗ cũ quá xa. Tuy nhiên, tôi nghĩ,  các cơ quan chức năng cũng nên cân nhắc đến việc sẽ tạo ra những tiền lệ lấp hồ, lấp sông để xây nhà ở, đặc biệt, trong bối cảnh thủ đô đất chật, người đông và cũng đang quá ngột ngạt như hiện nay”.

(Bạn đọc Nguyễn Mai, Tôn Thất Tùng, Hà Nội) cho rằng “Tôi ở nước ngoài đã hai mươi năm nay, và cũng đã sinh sống ở Séc, Áo… nhưng chỉ thấy người ta đào thêm hồ, trồng thêm cây chứ chưa bao giờ thấy người ta lấp hồ, chặt cây để xây dựng công trình. Không những thế, hồ ở đây còn được chăm chút, bảo vệ, trồng hoa, làm đường quanh bờ, tạo quang cảnh như một công viên để mọi người đến đây nghỉ ngơi, thư giãn. Nước hồ lúc nào cũng trong veo, không một mẩu rác…

Tóm lại ở các nước châu Âu, hồ được coi là một nguồn tài nguyên lớn; nhà nước và người dân luôn có ý thức bảo vệ. Tuy nhiên theo dõi trên báo chí, tôi thấy ở Việt Nam thì lại làm điều ngược lại: Lấp hồ để xây nhà.

Tôi nghĩ rằng mỗi nước có một đặc điểm riêng, tuy nhiên dù thế nào chăng nữa thì sự phát triển cũng cần phải hướng tới việc đáp ứng tốt nhất điều kiện sống của cả cộng đồng. Có rất nhiều nước vì phát triển nóng mà bỏ qua yếu tố môi trường, dẫn đến người dân hứng chịu khói bụi, ô nhiễm. Dù nước ta, đất chật, người đông nhưng theo tôi không thể lấp hồ mà xây dựng nhà được. Có rất nhiều phương án lựa chọn chứ không nhất thiết phải làm như thế.

Lấp hồ Thành Công để xây nhà là mất hồ vĩnh viễn, chuyện di dời dân cư đi chỗ khác để làm hồ sẽ là điều không tưởng. Hối tiếc thì lúc đó cũng muộn. Do đó cần dẹp ngay cái ý nghĩ lấp hồ để làm nhà khi ý tưởng đó còn mới manh nha”.

(Bạn đọc Lê Tiến Hùng, Neudau, CH Áo)

Nguồn: http://danviet.vn/ban-doc/de-xuat-lap-ho-thanh-cong-xin-hay-xem-xet-ky-vi-loi-ich-cong-dong-760425.html