Đề xuất rằng mỗi công dân chỉ được sở hữu 1 xe ô tô và chỉ được cấp 1 biển số xe

0
405

Câu hỏi: Trước ý kiến đề xuất rằng mỗi công dân chỉ được sở hữu 1 xe ô tô và chỉ được cấp 1 biển số xe. Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã trả lời phỏng vấn báo Dân Việt như sau:

Trả lời: Về cơ bản, đề xuất mỗi công dân chỉ sở hữu 1 biển số xe của Bộ Công an được xem là hợp lý dưới góc độ quản lý bởi đề xuất này sẽ giúp cho cơ quan công an dễ dàng nắm giữ được thông tin về chủ sở hữu phương tiện dù người đó có thay đổi phương tiện nhiều lần. Tuy nhiên, xét về góc độ pháp lý và góc độ thực tiễn thì đề xuất này, đặc biệt là đề xuất mỗi công dân chỉ được sở hữu 01 xe ô tô đã thể hiện những điểm “không hợp lý”
Thứ nhất, xét về góc độ pháp lý, việc Bộ Công an đưa ra đề xuất như vậy đã trái với tinh thần của Hiến pháp 2013. Cụ thể, Khoản 1 Điều 32 Hiến pháp 2013 đã quy định như sau:
“Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác”.
Chiếu theo quy định này thì phương tiện ô tô của mỗi công dân có thể được xem là các “tư liệu sinh hoạt” hoặc “tư liệu sản xuất”, dùng để phục vụ cho công việc cũng như đời sống của công dân. Để làm rõ hơn tinh thần này của Hiến pháp 2013, Điều 163 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định:
“1. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản.
2.Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”.
Mục đích ban đầu của Bộ Công an khi đưa ra đề xuất này là nhằm giảm thiểu tình trạng quá tải các phương tiện giao thông hiện nay đồng thời hỗ trợ các cơ quan trong việc quản lý các chủ phương tiện; theo quan điểm của tôi thì mục đích này không thuộc trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hay lợi ích quốc gia…. nên đề xuất trên nếu được đưa ra sẽ hạn chế quyền công dân, vi phạm các quy định của pháp luật.
Thứ hai, xét về mặt thực tiễn, việc giao thông xảy ra tình trạng ùn tắc xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là do bùng nổ dân số, cơ sở vật chất giao thông còn yếu kém… chứ không bị ảnh hưởng bởi nguyên nhân “một công dân sở hữu nhiều xe ô tô”. Hơn nữa, với thu nhập trung bình của người dân Việt Nam như hiện nay thì việc sở hữu một chiếc xe ô tô cũng không phải điều dễ dàng. Chính vì thế, đề xuất trên tôi cho rằng không thực sự cần thiết.