Dịch vụ cấp giấy phép lái xe quốc tế: Cẩn thận kẻo mất tiền oan

0
347

ANTĐ – Thời gian gần đây, nhu cầu được cấp giấy phép lái xe (GPLX) quốc tế của người dân ngày càng tăng, kéo theo đó là sự nở rộ những điểm cung cấp dịch vụ này. Tuy vậy nếu không thận trọng, khách hàng rất dễ mất tiền oan…

lai-xe-2-copy

Ngày càng có nhiều người dân mong muốn được cấp GPLX quốc tế

Làm dịch vụ sẽ gặp không ít rủi ro

Anh Lê Đăng Hoài ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ chia sẻ, do có chuyến công tác châu Âu trong thời gian gần 1 tháng nên anh đã lên mạng tìm hiểu về thủ tục đổi GPLX quốc tế. Sau khi liên hệ với bên nhận làm dịch vụ, anh Hoài được biết giá thấp nhất là 100 USD. Theo những lời quảng cáo trên mạng, thủ tục để được cấp GPLX quốc tế khá đơn giản. Khách hàng chỉ cần chụp lại các loại giấy tờ như hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe Việt Nam, ảnh 3×4, thông tin chiều cao, cân nặng… gửi cho bên cung cấp dịch vụ. Chưa đầy 2 tuần sau, khách sẽ nhận được GPLX quốc tế.

Khi đọc những thông tin trên, anh Hoài không khỏi băn khoăn về chất lượng dịch vụ cũng như tính pháp lý của GPLX quốc tế mà mình sẽ nhận được. Trao đổi vấn đề này với một người bạn công tác trong lĩnh vực giao thông vận tải, anh Hoài mới biết, hầu hết những điểm cung cấp dịch vụ làm GPLX quốc tế hiện nay đều là những công ty du lịch và dịch thuật. Khi trao đổi với khách hàng, bên làm dịch vụ thường cam kết sẽ làm được GPLX quốc tế, nhưng thực chất đây chỉ là một văn bản hợp pháp của một số tổ chức nước ngoài, chỉ có giá trị khi khách hàng thuê xe ở các nước, song họ sẽ gặp không ít phức tạp, phiền toái trong trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố…

Thủ tục khá đơn giản

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty luật SBLAW cho biết, ngày 6-7-2015, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 29/2015/TT-BGTVT quy định về cấp, sử dụng GPLX quốc tế. Theo đó, GPLX quốc tế là giấy phép do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 (gọi tắt là Công ước Vienna) cấp theo một mẫu thống nhất. GPLX quốc tế có tên tiếng Anh là International Driving Permit, gọi tắt là IDP. IDP có thời hạn không quá 3 năm, kể từ ngày cấp và phải phù hợp với thời hạn còn hiệu lực của GPLX quốc gia.

Công dân Việt Nam đã có giấy phép lái xe hạng B2 bằng vật liệu PET còn giá trị sử dụng có thể liên hệ với Tổng cục đường bộ hoặc Sở GTVT địa phương nơi mình cư trú để xin cấp giấy phép IDP. Về thủ tục cấp đổi GPLX quốc tế,  người có nhu cầu cần nộp đơn đề nghị cấp IDP theo mẫu và phải xuất trình bản chính thức của GPLX quốc gia do Việt Nam cấp, hộ chiếu còn giá trị. Trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn đề nghị cấp IDP, cơ quan chức năng sẽ cấp IDP, trường hợp không cấp thì phải nêu rõ lý do.

Cũng theo luật sư Thanh Hà, hiện đã có 85 quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên của Công ước Vienna về giao thông đường bộ. Người dân đi du lịch hay làm việc ở các quốc gia ngoài Việt Nam muốn lái các loại phương tiện đường bộ cần kiểm tra thông tin xem quốc gia đó có là thành viên của Công ước Vienna hay không để có quyết định sử dụng giấy phép lái xe IDP ở quốc gia đó.

“Dù Thông tư 29/2015/TT-BGTVT được ban hành ngày 6-7 nhưng ngày 1-10-2015 mới chính thức có hiệu lực, nên kể từ ngày này, mọi công dân mới có thể liên hệ với cơ quan chức năng để xin cấp đổi giấy phép IDP. Để tránh mất tiền oan, người có nhu cầu được cấp IDP không nên tin vào lời quảng cáo của những nơi cung cấp dịch vụ thiếu uy tín” – luật sư Thanh Hà khuyến cáo.