Dịch vụ đòi nợ thuê

0
554

Câu 1: Hiện nay, có nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Theo quan điểm của anh, dịch vụ đòi nợ thuê có nên bị cấm hay không? Và những hệ lụy nào sẽ xảy đến khi loại hình dịch vụ này vẫn tồn tại?

Trả lời:

Hiện nay, điều kiện kinh doanh đòi nợ được quy định tại Nghị định số 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ và Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Trên thực tế, dịch vụ đòi nợ thuê bị biến tướng đã gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội khi các doanh nghiệp sử dụng các phương thức đòi nợ trái pháp luật. Tuy nhiên cũng giống như nhiều ngành nghề khác, nếu hoạt động đúng giấy phép và tuân theo pháp luật thì đòi nợ thuê là dịch vụ cần thiết. Kinh tế càng phát triển, nhu cầu tín dụng chính thức và phi chính thức của người tiêu dùng càng cao và ngày càng nhiều người vay nợ. Đã vay thì phải có trả và không phải lúc nào trả nợ cũng như ý của cả bên cho lẫn bên vay.

Như vậy có thể thấy rằng, xuất phát từ nhu cầu của thực tế, nhiều người vì khó khăn trong việc đòi lại các khoản nợ nên mới ủy quyền cho các tổ chức, doanh nghiệp đòi nợ thuê.

Theo tôi, việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê chưa hẳn là giải pháp khả thi. Điểm mấu chốt là các cơ quan cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ về lĩnh vực kinh doanh này, cần phát hiện và xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thu hồi nợ, xử lý các đối tượng, tổ chức không đủ điều kiện mà vẫn thực hiện hoạt động đòi nợ thuê. Việc quản lý không chặt chẽ trong việc cấp phép, kinh doanh hoạt động đòi nợ thuê  rất dễ để các đối tượng như hoạt động đòi nợ thuê trái phép, xã hội đen… lợi dụng núp bóng đầu tư hoạt động qua hình thức cấu kết giữa các công ty tài chính, công ty đòi nợ và các đối tượng hình sự, các băng ổ nhóm tại địa phương gây hệ quả phức tạp về an ninh trật tự.

Câu 2: Đã có nhiều biến tướng trong hoạt động kinh doanh  loại hình này, thậm chí còn đe dọa cả tính mạng của những người đi vay tiền. Vậy đối với những cơ sở vi phạm như vậy sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Nghị định số 104/2007/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết về kinh doanh dịch vụ đòi nợ quy định các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ được thực hiện các biện pháp xử lý nợ phù hợp với quy định của pháp luật. Đặc biệt nghiêm cấm doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện hoặc thông qua người khác thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của khách nợ, chủ nợ và tổ chức, cá nhân khác liên quan.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ nếu vi phạm về yêu cầu nghiệp vụ trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ như dùng vũ lực, đe dọa tính mang, tinh thần,…khách nợ thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 104/2007/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Theo đó, các cơ sở vi phạm hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ bị xử phạt vi phạm hành chính theo một trong các hình thức sau:

– Phạt cảnh cáo;

– Phạt tiền ( mức phạt tiền tối đa là 70.000.000 đồng );

– Có thể áp dụng biên pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện đugns các quy định trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ;

– Có thể áp dụng  hình thức xử phạt bổ sung là thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Trường hợp dùng vũ lực, đe dọa khiến con nợ rơi vào tình trạng lo sợ có thể dẫn đến bị giết chết là đã có dấu hiệu của Tội đe dọa giết người theo Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS). Tùy vào mức độ mà người phạm tội có thể bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù đến 7 năm.

Trường hợp gây thương tích cho con nợ, tùy mức độ có thể bị xử lý hành chính, bồi thường dân sự hoặc bị xử lý hình sự theo Điều 134 BLHS về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Khi đó, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù đến 20 năm, tù chung thân.

Ngoài ra, người đi đòi nợ thuê còn có thể bị xử lý hình sự về Tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 BLHS nếu tự ý vào nhà của người khác, mức phạt có thể đến 5 năm tù. Trường hợp nghiêm trọng hơn, nếu dùng vũ lực để tước đoạt tài sản của con nợ thì có thể bị xử lý về tội “cướp tài sản” theo Điều 168, tùy mức độ mà người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 năm đến chung thân.

Câu 3: Liệu có thể ngăn chặn được các hành vi đòi nợ thuê bằng vũ lực hoàn toàn khi đưa ra luật cấm hay không? Theo ông cần có những chế tài như thế nào để ngăn chặn tình  trạng đòi nợ một cách bạo lực và không văn minh?

Trả lời:

Trên thực tế, kinh doanh dịch vụ đòi nợ là loại hình kinh doanh nhạy cảm, rất dễ biến tướng trở thành việc hợp thức hóa các hoạt động mang tính chất xã hội đen. Hành vi đòi nợ bằng bạo lực, đe dọa và khủng bố tinh thần người mang nợ đi ngược lại với các tiêu chí của một xã hội văn minh và thượng tôn pháp luật, do đó cần bị loại bỏ triệt để khỏi đời sống xã hội.

Tuy nhiên, cấm hẳn kinh doanh loại hình dịch vụ này không phải là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn các hành vi bạo lực, tội phạm. Trong khi đó, nó có thể gây khó khăn cho sự phát triển của các dịch vụ tài chính. Hoạt động đòi nợ là rất cần thiết, là tất yếu sau cho vay.

Hiện nay, dịch vụ đòi nợ thuê được quy định trong Nghị định số 104/2007/NĐ-CP nhưng chưa quy định cụ trể trách nhiệm quản lý của Bộ Công an. Vì vậy cần đưa ra đề xuất Bộ Công an phải chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về an ninh, trật tự với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Theo đó công an các cấp nên tiến hành giám sát, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ;  cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của Chính phủ cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ; thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội; tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm quy định về an ninh, trật tự trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Được phép áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần nâng cao trách nhiệm của mình trong việc thực hiện việc quản lý, kiểm tra, giám sát và xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm trên địa bàn, nhất là phối hợp với BỘ Công an thực hiện các biện pháp trên.