Hội thảo Phát triển dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân

0
501
Hội thảo Phát triển dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân
Hội thảo Phát triển dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân

Sáng ngày 17/1/2015, Khoa Tài chính Ngân hàng (TCNH),Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN đã tổ chức thành công Hội thảo cấp trường “Phát triển dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân”.

Hội thảo đã thu hút sự tham dự của gần 100 khách mời là chuyên gia đến từ các cơ sở đào tạo như Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học FPT, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, Học viện Tư pháp, Trường Đại học Phương Đông, Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA),… các tổ chức tài chính ngân hàng như Vietinbank, Agribank, Techcombank, VN Direct,… các cơ quan quản lý Nhà nước gồm Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước… và các cá nhân quan tâm tới chủ đề.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PSG.TS. Trần Anh Tài – Phó Hiệu trưởng, Trường ĐHKT đã nhấn mạnh mục tiêu chính của Hội thảo lần này là tạo ra một diễn đàn để các chuyên gia, nhà cung cấp dịch vụ tài chính, và các cơ sở đào tạo có thể thảo luận, phân tích, đưa ra các giải pháp để thúc đẩy nhận thức về quản lý tài chính cá nhân (TCCN) và phát triển dịch vụ tư vấn TCCN ở Việt Nam.

Trong tham luận mở đầu Hội thảo, TS. Nguyễn Đăng Tuệ – Viện Quản lý Kinh tế, Trường Đại học Bách khoa đã giới thiệu một số khái niệm cơ bản về TCCN, phân tích sự khác biệt giữa hoạch định tài chính, tư vấn tài chính và môi giới bán hàng. Đặc biệt, TS. Nguyễn Đăng Tuệ cho biết, để hành nghề tư vấn TCCN tại Hoa Kỳ cần phải có chứng chỉ hành nghề do các Hiệp hội nghề nghiệp có uy tín cấp như Chứng chỉ CFP, cùng với 3 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, trả lời mọi câu hỏi để vượt qua kỳ thi kiểm tra kéo dài 10h và đặc biệt phải tuân thủ các chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp.

Điểm nhấn của tham luận đầu tiên chính là video clips khảo sát sự quan tâm về dịch vụ tư vấn TCCN của người dân Việt Nam, tạo không khí khác biệt cho Hội thảo. Theo ThS. Nguyễn Tiến Thành, hơn 80% số người được khảo sát không biết đến dịch vụ TCCN và khoảng 90% không nắm rõ các khoản chi tiêu trong tháng và không có tiết kiệm phòng ngừa rủi ro. Tại Việt Nam, chưa có cơ quản quản lý chính thức về chất lượng trình độ nhân viên tư vấn TCCN, các đơn vị cung cấp dịch vụ chủ yếu là các ngân hàng, công ty chứng khoán và bảo hiểm.

Tham luận thứ hai của ThS. Nguyễn Thị Mai Lan, Trường Đại học FPT, đã giới thiệu tổng quan về sự phát triển dịch vụ TCCN trên thế giới trong đó đưa ra các con số thống kê rất chi tiết. Thị trường Hoa kỳ là nơi dịch vụ tư vấn TCCN đem lại doanh thu 34 tỷ USD/năm, có tốc độ tăng trưởng khoảng 5,2%/năm với sự hoạt động của khoảng 174.000 nhân viên tư vấn. ThS. Nguyễn Thị Mai Lan cũng cho biết sự đa dạng của các gói dịch vụ, mục tiêu lợi nhuận được cân nhắc cùng với mức độ rủi ro đối với khách hàng, hành lang pháp lý và chuẩn mực đạo đức chặt chẽ là những đặc điểm cơ bản trong dịch vụ tư vấn TCCN tại các nước phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Úc.

Tham luận thứ ba của ThS. Nguyễn Thanh Hà, Luật sư tại Công ty Luật S&B đã giới thiệu khái quát một số cơ sở pháp lý về tư vấn TCCN tại Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam chưa có cơ sở pháp lý hoàn chỉnh riêng biệt mà mới chỉ được đề cập tới tại một số điều trong Luật các tổ chức tín dụng 2010, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010, Bộ luật dân sự 2005 để điều chỉnh việc cung cấp dịch vụ TCCN, tạo thành một trong những khó khăn khi phát triển dịch vụ này. Luật sư Nguyễn Thanh Hà cũng chia sẻ một số vấn đề thực tiễn gặp phải khi triển khai dich vụ tư vấn TCCN khách hàng và nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao nhận thức xã hội về trách nhiệm nghề nghiệp đối với những người hành nghề tư vấn TCCN
TS. Đinh Thị Thanh Vân trình bày tham luận tại Hội thảo
TS. Đinh Thị Thanh Vân trình bày tham luận tại Hội thảo

Tham luận cuối cùng của TS. Đinh Thị Thanh Vân, Khoa TCNH nhấn mạnh kinh nghiệm đào tạo tư vấn TCCN tại Hoa Kỳ cho cả hai vấn đề: đào tạo các chuyên gia tư vấn TCCN và đào tạo nhận thức về quản lý TCCN cho người dân. Các chuyên gia tư vấn TCCN muốn có chứng chỉ nghề nghiệp phải được đào tạo kiến thức chuẩn, có kinh nghiệm, trải qua bài thi và đào tạo về đạo đức nghề nghiệp. Các trường đại học, cơ sở đào tạo thường kết hợp với các hiệp hội này để giảng dạy các lớp học đào tạo chuyên môn. Học phí có thể từ $3,000 – $7,000/cả khóa. Việc đào tạo về kiến thức quản lý TCCN (finance literacy) cho người dân được tiến hành tại các trường đại học cho sinh viên, tại các trường học từ lớp 1 đến lớp 12 nhằm hình thành ý thức quản lý tài chính từ sớm, bảo đảm an ninh tài chính hiện tại và tương lai cho người dân. TS. Đinh Thị Thanh Vân cũng nhấn mạnh tới sự thiếu hụt của mảng đào tạo này ở thị trường Việt Nam.

PGS.TS Trần Thị Thái Hà - Khoa TCNH, Trường ĐHKT trao đổi tại Hội thảo
PGS.TS Trần Thị Thái Hà – Khoa TCNH, Trường ĐHKT trao đổi tại Hội thảo

Các diễn giả và khách mời sau đó đã có những trao đổi, thảo luận rất sôi nổi, đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến chủ đề Hội thảo. PGS.TS Nguyễn Thị Thái Hà, Khoa TCNH nhấn mạnh tới sự khác biệt giữa Việt Nam và thế giới về trình độ nhân thức, thu nhập người dân, mức độ phát triển của hệ thống tài chính, do vậy cần tìm hiểu kỹ hơn về nhu cầu tư vấn cũng như tiềm năng nghề tư vấn TCCN tại VN. Còn theo PSG.TS. Nguyễn Thị Mùi, Nguyên Giám đốcTrường đào tạo nghiệp vụ Ngân hàng Vietinbank, nhu cầu về dịch vụ TCCN chưa cao không hẳn là do thu nhập thấp mà là do nhận thức của người dân và niềm tin của khách hàng thấp, lẫn lộn khái niệm bán hàng và tư vấn, do hành lang pháp lý chưa đầy đủ, trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin cá nhân chưa rõ ràng. Giám đốc Trung tâm Thẻ Techcombank, ông Nguyễn Công Hoàn cho biết, nhu cầu về dịch vụ TCCN có tăng lên, và đơn vị này cũng đã triển khai các gói dịch vụ phù hợp với cá nhân có tiền nhàn rỗi, nhưng chủ yếu là sản phẩm tiết kiệm. ThS. Nguyễn Thị Minh Huệ, Học viện Tư pháp chia sẻ các kinh nghiệm về đào tạo ngắn hạn kỹ năng và cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, liên hệ với việc đào tạo chuyên gia tư vấn TCCN cần có chứng chỉ hành nghề. Hiệu trưởng một trường mầm non ở Hà Nội cũng chia sẻ đã bắt đầu đưa vào các khóa học nhận thức về tiền cho các bé mẫu giáo. Một số ý kiến thảo luận và chia sẻ khác từ chính cá nhân có nhu cầu mong muốn có các lớp học về quản lý TCCN cho bản thân và gia đình.

Ban tổ chức Hội thảo chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu, khách mời và các diễn giả
Ban tổ chức Hội thảo chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu, khách mời và các diễn giả

Kết thúc Hội thảo, TS. Đinh Thị Thanh Vân – Chủ tọa Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Khoa TCNH, Trường ĐHKT – bày tỏ mong muốn góp phần đào tạo nâng cao nhận thức quản lý TCCN và chuẩn hóa đội ngũ tư vấn TCCN trên thị trường Việt Nam. Đây là hội thảo đầu tiên trong số chuỗi các hội thảo về chủ đề này mà Khoa TCNH dự kiến sẽ tổ chức trong tương lai. Ban Tổ chức hy vọng tạo ra một diễn đàn trao đổi để nâng cao nhận thức chung về quản lý TCCN và dịch vụ tư vấn TCCN để qua đó hỗ trợ cho việc phát triển dịch vụ tài chính cá nhân tại Việt Nam.

Nguồn : http://ueb.vnu.edu.vn/