Điểm gợn trong tuân thủ công bố thông tin tại Môi trường Sonadezi

Vi phạm công bố thông tin ở các công ty đại chúng có thể là một chỉ báo về khả năng có giao dịch nội gián

0
470

Thông tin và công bố thông tin tác động không nhỏ tới giá cổ phiếu. Tuy nhiên, thời gian qua, Công ty Cổ phần Môi trường Sonadezi (mã chứng khoán SZE, UPCOM) liên tiếp chậm chễ công bố thông tin.

Nhà máy xử lý rác Vĩnh Tân của SZE.
Ảnh: Báo Đồng Nai.

Nhà máy xử lý rác Vĩnh Tân của SZE. Ảnh: Báo Đồng Nai.

Ngày 23.8, SZE có thông báo về việc thực hiện chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền do Tổng giám đốc Quách Ngọc Bửu ký tên. Đến ngày 15.9, thông tin này mới được công bố trên website của SZE. Đến nay (16.9), thông tin vẫn chưa được công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Mục đ Khoản 1 Điều 11 của Thông tư 96/2020/TT-BTC (quy định về công bố thông tin bất thường), quy định công ty đại chúng phải công bố thông tin trong vòng 24h về Quyết định về hình thức trả cổ tức, thời gian trả cổ tức.

Mặc dù đã có quy định về việc phải công bố thông tin trong vòng 24h nhưng đến tận hơn 20 ngày sau khi có quyết định về hình thức trả cổ tức, thời gian trả cổ tức thì SZE mới công bố thông tin.

Mục r, Khoản 1 Điều 11 của Thông tư 96/2020/TT-BTC quy định phải công bố trong vòng 24h: “Khi xảy ra các sự kiện khác có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc tình hình quản trị của công ty”.

SZE có đầu tư dự án xử lý rác ở thị trấn Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Đây là dự án cực kỳ lớn, vốn đầu tư là hơn 474 tỉ đồng, gấp đôi vốn điều lệ của SZE. Dự kiến dự án này đi vào hoạt động sẽ là bước ngoặt  lớn, thay đổi hoàn toàn doanh thu và lợi nhuận của SZE. Công ty sẽ chuyển từ chôn lấp rác sang xử lý rác (doanh thu mỗi tấn rác xử lý cao khoảng gấp đôi so với rác chôn lấp).

Theo Báo Đồng Nai, Nhà máy xử lý rác Vĩnh Tân đã đưa vào vận hành từ tháng 11.2020, công suất 450 tấn/ngày. Tuy nhiên, tại thời điểm đưa Nhà máy vào vận hành, SZE không hề công bố thông tin theo quy định tại Mục r, Khoản 1 Điều 11 của Thông tư 96/2020/TT-BTC như đã đề cập ở trên.

Ảnh chụp màn hình, Báo Đồng Nai đưa tin về việc vận hành Nhà máy xử lý rác Vĩnh Tân.
Ảnh chụp màn hình, Báo Đồng Nai đưa tin về việc vận hành Nhà máy xử lý rác Vĩnh Tân.

Gần 5 tháng sau khi Nhà máy xử lý rác Vĩnh Tân đi vào hoạt động, SZE mới đề cập đến việc đã đưa Nhà máy vào vận hành thử, các hạng mục phụ trợ đã thực hiện được hơn 90% bằng vài dòng ngắn ngủi trong báo cáo thường niên 2020 được công bố tháng 4.2021.

Đến nay, SZE chưa công bố gì về việc Dự án Nhà máy xử lý rác Vĩnh tân đã đầu tư xong hay chưa, đã nghiệm thu chưa, hoạt động thử nghiệm có trục trặc gì không, đã được hoạt động chính thức hay chưa, đã bắt đầu ghi nhận doanh thu hay chưa… ?

Trao đổi với Lao Động, Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhấn mạnh thông tin và công bố thông tin quyết định đến giá của các tài sản tài chính được niêm yết trên thị trường chứng khoán, ảnh hưởng đến quyết định mua vào và bán ra của các nhà đầu tư. 

Việc công bố thông tin phải đảm bảo 3 tiêu chí: Đầy đủ; chính xác; kịp thời theo quy định của pháp luật, cụ thể là theo Thông tư 96/2020/TT-BTC.

Theo Luật sư Hà, vi phạm công bố thông tin ở các công ty đại chúng có thể là một chỉ báo về khả năng có giao dịch nội gián. Các giao dịch nội gián thường dựa trên việc cố tình lợi dụng lợi thế về việc tiếp cận được thông tin tốt hoặc xấu về hoạt động và tình hình tài chính của công ty. Nguồn thông tin thường xuất phát từ các thành viên cấp cao và người có liên quan trong tổ chức phát hành.

Ở diễn biến khác, theo ghi nhận, thời gian gần đây, các lãnh đạo SZE đã đẩy mạnh gom mua cổ phiếu. Trong đó cha của bà Trần Võ Hoài Hương, Kế toán trưởng đã mua vào 55.141 cổ phần, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Bạch Văn Hiền liên tiếp mua vào 71.966 cổ phần, thành viên HĐQT Trần Anh Dũng mua vào 184.600 cổ phần và cách đây 1 tháng vợ ông Dũng tiếp tục mua vào 1.190.000 cổ phần.

Nguồn:https://laodong.vn/kinh-te/diem-gon-trong-tuan-thu-cong-bo-thong-tin-tai-moi-truong-sonadezi-954263.ldo