Điểm mới của Luật đầu tư 2014

0
440

Luật Đầu tư 2014 vừa được Quốc Hội thông qua ngày 26/11/2014 và sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2015.

Một số nội dung thay đổi quan trọng của Luật Đầu tư 2014:

1.Điểm mới nhất của Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này là sự thay đổi phương pháp tiếp cận khi làm luật đó là thay vì “chọn cho” (nghĩa là cái gì cho thì ghi trong luật), đã chuyển sang cách “chọn bỏ” (quy định những gì cấm, còn lại thì doanh nghiệp, nhà đầu tư được phép đầu tư, kinh doanh theo quy đinh của pháp luật).

Điều 6 LĐT 2014 đã quy định rõ danh mục 6 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh kèm theo đó là các phụ lục, thay vì cấm theo lĩnh vực như điều 30 LĐT 2005.

Luật đã quy định các ngành nghề cụ thể cấm đầu tư kinh doanh gồm:

Kinh doanh các chất ma túy;

Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật cấm;

Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã;

Kinh doanh mại dâm;

Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người;

Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.

Quy định này là một bước tiến quan trọng trong việc để thể chế hóa điều 33 Hiến pháp: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.

Tinh thần này còn được tái khẳng định trong khoản 1 điều 5 của LĐT 2014 với quy định nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành nghề mà luật không cấm. Thêm vào đó là quy định danh mục 267 (272) ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục IV LĐT 2014 thay cho 386 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật trước kia

2.Cũng theo LĐT 2014, dự án của nhà đầu tư trong nước sẽ không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Trong khi đó trước đây, dự án quy mô từ 15 tỉ đồng trở lên hoặc thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện thì phải xin giấy chứng nhận đầu tư. LĐT 2014 cũng thu hẹp phạm vi áp dụng giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể áp dụng đối với các dự án có vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế nắm giữ hơn 51% vốn điều lệ mới phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư.

3.Bên cạnh các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư thuộc ngành, nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư thì các dự án đầu tư sau cũng được hưởng ưu đãi theo LĐT 2014:

Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư;

Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ.

4.Quy định mới về các dự án sẽ phải xin sự chấp thuận thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như xây dựng nhà máy điện hạt nhân, chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, …

Tuy nhiên việc thừa nhận thủ tục phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư có thể phát sinh hệ lụy như việc tạo cơ hội cho những nhà đầu tư không đủ năng lực giành được dự án thông qua việc “chạy” chấp thuận chủ trương đầu tư.