Điều kiện làm thành viên Hội đồng quản trị là gì?

0
664

Về điều kiện để làm thành viên Hội đồng quản trị, Điều 110 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định như sau:

“1. Thành viên Hội đồng quản trị phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

a) Có đủ năng lực hành vi dân sự, không thuộc đối tượng bị cấm quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật này;

b) Là cổ đông cá nhân sở hữu ít nhất 5% tổng số cổ phần phổ thông hoặc người khác có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh hoặc trong ngành, nghề kinh doanh chủ yếu của công ty hoặc tiêu chuẩn, điều kiện khác quy định tại Điều lệ công ty.

2. Đối với công ty con là công ty mà Nhà nước sở hữu số cổ phần trên 50% vốn điều lệ thì thành viên Hội đồng quản trị không được là người liên quan của người quản lý, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ.”

Tuy nhiên, vấn đề tiêu chuẩn để làm thành viên Hội đồng quản trị chủ yếu do các cổ đông tự thỏa thuận trong Điều lệ công ty. Luật Doanh nghiệp chỉ có các quy định về các tiêu chuẩn cơ bản và những gợi ý để xây dựng tiêu chuẩn trong Điều lệ. Thực tế, các Điều lệ công ty cổ phần phần lớn sao chép lại Luật Doanh nghiệp 2005 nên dễ gặp những vướng mắc. Tình huống sau đây sẽ cho thấy điều đó:

Tình huống: Công ty cổ phần A có cổ đông pháp nhân là X. Ông Phạm văn T là người đại diện theo ủy quyền của pháp nhân X trúng cử vào vị trí thành viên HĐQT. Sau đó, ông Phạm Văn T vào làm giảng viên biên chế của một trường đại học công lập. Câu hỏi được đặt ra là: Nếu ông T thuộc đối tượng bị cấm thì ông đương nhiên mất tư cách thành viên Hội đồng quản trị hay đó chỉ là điều kiện để Đại hội đồng cổ đông bãi miễn?

Giảng viên biên chế của một trường đại học công lập bị cấm làm người quản lý doanh nghiệp vì theo Quyết định 78/2004/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ thì giảng viên thuộc biên chế là viên chức mà theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng 2005 thì viên chức bị cấm quản lý doanh nghiệp. Theo quy định tại Điều 4 Luật Doanh nghiệp thì thành viên Hội đồng quản trị là người quản lý doanh nghiệp nên ông T thuộc đối tượng bị cấm làm thành viên Hội đồng quản trị.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 110 Luật Doanh nghiệp 2005 thì một trong những điều kiện để làm thành viên Hội đồng quản trị là không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp. Cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2005 thì thành viên Hội đồng quản trị bị bãi miễn nếu không có đủ điều kiện để làm thành viên Hội đồng quản trị. Như vậy, hiện nay theo câu chữ tại khoản 1 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2005 thì mặc dù ông T không đủ điều kiện để làm thành viên Hội đồng quản trị nhưng để chấm dứt tư cách thành viên Hội đồng quản trị của ông vẫn cần phải được Đại hội đồng cổ đông bãi miễn.

Không có bất cứ một điều khoản nào của Luật Doanh nghiệp 2005 quy định rằng nếu không đủ điều kiện làm thành viên Hội đồng quản trị thì đương nhiên mất tư cách thành viên Hội đồng quản trị. Mà chỉ có quy định nếu thành viên Hội đồng quản trị không đủ điều kiện làm thành viên Hội đồng quản trị thì phải tiến hành bãi miễn (khoản 1 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2005). Điều này làm phát sinh một hệ quả là giả sử việc biểu quyết bãi miễn thành viên Hội đồng quản trị (do không đủ điều kiện làm thành viên Hội đồng quản trị) không hội đủ tỷ lệ thì sẽ gặp phải vướng mắc. Do đó, cần có một quy định trong Điều lệ công ty rằng nếu không đủ điều kiện làm thành viên Hội đồng quản trị thì đương nhiên mất tư cách thành viên Hội đồng quản trị.

Theo Luật gia: Cao bá Khoát và Luật sư : Trần Hữu Huỳnh.