Câu hỏi: Luật sư có thể cho chúng tồi biết về điều kiện thành lập hoạt động trung tâm giáo dục thường xuyên?
Luật sư trả lời: Trung tâm giáo dục thường xuyên là một tổ chức giáo dục hoạt động có điều kiện. Để tạo thuận lợi cho tổ chức hoạt động hợp pháp cần đáp ứng những điều kiện sau:
Trung tâm giáo dục thường xuyên
1. Việc thành lập trung tâm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương; phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục; có tính khả thi và hiệu quả; đáp ứng nhu cầu học tập của cộng đồng.
2. Có đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên theo quy định tại Điều 13, Điều 14 và Điều 25 Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên (Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2007/QĐ-BGDĐT), cụ thể:
2.1. Giám đốc
2.1.1. Giám đốc là người có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, có năng lực quản lý, tốt nghiệp đại học và công tác trong ngành giáo dục ít nhất 5 năm.
2.1.2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc giám đốc sở giáo dục và đào tạo theo ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên.
2.2. Phó Giám đốc
2.2.1. Phó Giám đốc là người giúp việc cho giám đốc, có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, có năng lực quản lý, tốt nghiệp đại học, công tác trong ngành giáo dục ít nhất 5 năm.
2.2.2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc giám đốc sở giáo dục và đào tạo theo ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm phó giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên theo đề nghị của giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên.
2.3. Trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên: Giáo viên của trung tâm giáo dục thường xuyên tham gia giảng dạy các chương trình giáo dục thường xuyên để lấy văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân phải có trình độ đạt chuẩn như quy định đối với giáo viên dạy cùng cấp học của giáo dục chính quy, cụ thể sau như:
2.3.1. Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên dạy chương trình xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ;
2.3.2. Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở;
2.3.3. Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông;
2.3.4. Có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, cao đẳng nghề hoặc là nghệ nhân, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao đối với giáo viên hướng dẫn thực hành nghề nghiệp;
2.3.5. Có bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học chuyên ngành ngoại ngữ hoặc tin học đối với giáo viên dạy chương trình bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học.
3. Có địa điểm để xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị theo quy định tại Điều 35, Điều 38 Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên (Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2007/QĐ-BGDĐT), cụ thể:
3.1. Cơ sở vật chất
3.1.1. Trung tân giáo dục thường xuyên phải có đủ các phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện, phòng thực hành lao động sản xuất đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập.
3.1.2. Trung tâm giáo dục thường xuyên phải có biển hiệu của trung tâm. Biển hiệu của trung tâm gồm những nội dung chính sau đây:
+ Phía trên bên trái: tên cơ quan quản lý trực tiếp trung tâm;
+ Phía giữa: tên trung tâm;
+ Phía dưới cùng: địa chỉ của trung tâm, điện thoại, FAX (nếu có).
3.2. Thiết bị giáo dục, thư viện
3.2.1. Trung tâm giáo dục thường xuyên phải có các thiết bị dạy học và phòng thí nghiệm theo yêu cầu của việc thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên.
3.2.2. Thiết bị giáo dục và sách, tạp chí tại thư viện phải được quản lý, sử dụng có hiệu quả theo quy định.
Trung tâm ngoại ngữ- tin học
4. Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
5. Đề án thành lập trung tâm xác định rõ: mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung đào tạo, bồi dưỡng; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến, tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển trung tâm.
Đề án thành lập trung tâm gồm các nội dung sau:
– Tên trung tâm, loại hình trung tâm, địa điểm đặt trung tâm, sự cần thiết và cơ sở pháp lý của việc thành lập trung tâm;
– Mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của trung tâm;
– Chương trình giảng dạy, quy mô đào tạo;
– Cơ sở vật chất của trung tâm;
– Cơ cấu tổ chức của trung tâm, giám đốc, các phó giám đốc (nếu cần), các tổ (hoặc phòng chuyên môn);
– Sơ yếu lý lịch của người dự kiến làm giám đốc trung tâm.
Tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa
6. Cơ sở vật chất
6.1. Có phòng học, phòng chức năng có đủ ánh sáng, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh trường học theo quy định.
6.2. Thiết bị dạy học phải bảo đảm an toàn, phù hợp với nội dung dạy học, hoạt động và tâm lý lứa tuổi người học.
7. Giáo viên, báo cáo viên, huấn luyện viên
7.1. Có đủ điều kiện về sức khoẻ.
7.2. Có phẩm chất đạo đức tốt; không trong thời gian bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
7.3. Có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm; am hiểu các lĩnh vực kỹ năng sống hoặc hoạt động giáo dục có liên quan.
8. Giáo trình, tài liệu
Có đủ giáo trình, tài liệu do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hoặc phê duyệt. Nếu giáo trình, tài liệu tự lựa chọn hoặc tự xây dựng thì phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động hoặc cơ quan xác nhận đăng ký hoạt động theo quy định tại Điều 7, Điều 8 của Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT chấp thuận; đảm bảo yêu cầu, có nội dung phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, không trái với các quy định của pháp luật.