Điều luật 292 Bộ luật hình sự 2015: Ác mông của startup Việt?

0
437

Nhận lời mời của ban biên tập chương trình Startup 360 của kênh VITV, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trả lời phỏng vấn về nội dung điều 292 Bộ luật hình sư 2015.

Sau đây là nội dung bài phỏng vấn:

Câu hỏi: Điều luật 292 – cần hiểu thế nào cho đúng? Những lưu ý đối với các nhà khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ khi tìm hiểu về điều luật này?

Trả lời: Điều 292 Bộ luật hình sư có quy định như sau:

Điều 292. Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông

1.Người nào cung cấp một trong các dịch vụ sau đây trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc có doanh thu từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm:

  • a) Kinh doanh vàng trên tài khoản;
  • b) Sàn giao dịch thương mại điện tử;
  • c) Kinh doanh đa cấp;
  • d) Trung gian thanh toán;
  • đ) Trò chơi điện tử trên mạng;
  • e) Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc có doanh thu từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

3.Phạm tội trong trường hợp thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên hoặc có doanh thu 5.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

4.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo quy định nêu trên, các cá nhân mà cung cấp các dịch vụ như sàn giao dịch thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến hoặc các dịch vụ khác trên mạng mà không xin giấy phép hoặc không đúng giấy phép mà thu lợi từ 50 triệu đồng hoặc có doanh thu từ 500 triệu đồng đã bị khởi tố hình sự, nếu thu lợi từ 500 triệu đồng và có doanh thu từ 5 tỷ đồng có thể bị phạt tù tới 5 năm hoặc bị phạt tiền đến 5 tỷ đồng.

Điều này được hiểu là nếu bạn là doanh nghiệp, cá nhân, bạn kinh doanh trong các lĩnh vực nêu trên mà không có giấy phép, ví dụ như kinh doanh sàn giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh game, lĩnh vực trung gian thanh toán, những lĩnh vực này là những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, phải xin giấy phép, bạn không xin hoặc xin nhưng kinh doanh không đúng nội dung mà thu lợi bất chính hoặc có doanh thu từ 500 triệu đồng trở lên thì có khả năng bị khởi tố hình sự.

Cũng xin lưu ý là đối với những bạn lập trình viên, những người thiết kế phần mềm trò chơi và sau đó lại cung cấp qua bên thứ 3 thì không bị chịu chế tài này.

Từ điều luật này, các chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thong tin cần hết sức chú ý những điểm sau:

  • Cần xem lại các sản phẩm và dịch vụ của mình xem có thuộc luật chuyên ngành nào không? Có cần xin giấy phép không? Nếu phải xin thì phải làm hồ sơ luôn để đảm bảo về mặt pháp lý.
  • Khi chưa hiểu, cần có sự tư vấn của các luật sư, chuyên gia hoặc có công văn hỏi ý kiến của cơ quan quản lý về lĩnh vực này.

Câu hỏi:. Điều luật 292 – tác động thế nào đến các nhà khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ? Gây khó khăn gì cho nhà khởi nghiệp?

Trả lời: Khi gần kề đến ngày có hiệu lực của Bộ luật hình sự năm 2015, tức ngày 1/7/2016, có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đến xin ý kiến tư vấn của luật sư SBLAW về việc giải thích nội dung của điều luật này.

Vì vậy có thể hiểu là điều luật này đang tác động rất lớn tới tâm lý của các doanh nghiệp khởi nghiệp, vì phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay họ không quan tâm nhiều tới yếu tố pháp lý của dự án, các doanh nghiệp khởi nghiệm quan tâm tới vấn đề công nghệ, tới vốn để triển khai nhiều hơn là vấn đề pháp lý, vì vậy họ đang thực sự lo lắng với quy định này.

Một trong những đặc thu của doanh nghiệp khởi nghiệp đó là sự thử nghiệm, có khi có 10 doanh nghiệp khởi nghiệp mới có 1 doanh nghiệp thành công, vì vậy, tâm lý ban đầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp là làm thử đã, chưa quan tầm tới yếu tố xin giấy phép, nếu mà dự án thử lại thành công, chỉ cần thu lợi là 50 triệu thì có thể sẽ phải đối mặt với trách nhiệm hình sự, điều này thực sự gây khó khăn và bối rối cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, quy định “Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật” mà không có giải thích cũng đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Câu hỏi:.Nhiều startup đang có ý định khởi nghiệp ở nước ngoài như mở công ty ở nước ngoài, … theo ông, nguyên do vì sao? Liệu có phải do thủ tục, giấy tờ bên nước ngoài  nhanh – gọn hơn ở Việt Nam?

Trả lời: Việc mở công ty ở nước ngoài có một số lưu ý như sau:

Thứ nhất là theo yêu cầu của một số quỹ đầu tư mạo hiểm, họ yêu cầu là chủ doanh nghiệp phải mở công ty ở nước ngoài.

Thứ hai: Doanh nghiệp ở nước ngoài có thể tiếp cận vay vốn dễ dàng hơn với các quỹ đầu tư quốc tế.

Thứ ba: Nếu mở doanh nghiệp tại nước ngoài, có thể vay vốn tại các ngân hàng nước sở tại với vốn ưu đãi từ 1 đến 5%.

Thứ tư: Có cơ hội mở rộng thị trường và xây dựng công ty ở quy mô khu vực.

Việc mở công ty ở nước ngoài trong đó có Singapore ngoài các lợi ích trên còn có vấn đề là các thủ tục thành lập và vận hành doanh nghiệp tại nước ngoài đơn giản hơn.

Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp muốn thực hiện thủ tục M&A thì đơn giản hơn so với thủ tục tại Việt Nam.

Câu hỏi:. Đối với điều luật 292, các startup nên ứng xử như thế nào?

Trả lời: Đối với điều 292, theo quan điểm của tôi, các start up nên có một kiến nghị là huỷ bỏ quy định tại điều này vì nó có một số các bất lợi như sau:

Thứ nhất: Trong 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của luật đầu tư, chỉ có một số ngành thuộc công nghệ khi kinh doanh không phép thì bị xử lý hình sự, điều này tạo ra sự bất bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp.

Thứ hai: Chủ trương của chính phủ là không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, chúng ta cũng đã bỏ điều 159 của Bộ luật hình sự về tội kinh doanh trái phép, với điều này thì chỉ quy định tội kinh doanh trái phép cho lĩnh vực công nghệ thong tin, điều này là bất lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Trong thời gian chưa được huỷ bỏ điều luật này, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng cần xem xét lại các hoạt động của mình, nếu dịch vụ nào phải xin giấy phép thì nên xin, điều này không chỉ để đối phó với điều 292 mà nó còn hỗ trợ cho quá trình kinh doanh về sau của doanh nghiệp.