Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) có vị trí rất quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế. Đặc biệt ở các vùng nông thôn những (DNN&V) trong lĩnh vực nông nghiệp không những tạo ra nền sản xuất hàng hóa có giá trị cao mà còn thu hút, tạo được nhiều việc làm cho nông dân…Với tầm quan trọng như thế nên ngày 12 tháng 6 năm 2017, Quốc hội đã ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Và được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP; Nghị định số 38/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên quy mô thế nào được gọi là doanh nghiệp nhỏ và vừa?Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng chính sách ưu đãi gì của nhà nước?…thì nhiều chủ doanh nghiệp còn lúng túng. Để giải đáp vấn đề này, Tạp chí Nông thôn mới đã có cuộc trao đổi với luạt sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW ).
Thưa luật sư, để được gọi là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì doanh nghiệp đó phải đáp ứng tiêu chí nào?
Tiêu chí để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định rất cụ thể tại Điều 4 của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó để được gọi là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì doanh nghiệp đó phải đáp ứng các tiêu chí sau:
“1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây:
a) Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng;
b) Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.
2. Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ.”
Tuy nhiên quy định trên mới chỉ mang tính chất quy định khung. Để biết thông tin chi tiết các bạn cần nghiên cứu Chương II Nghị định 39/2018/NĐ-CP sẽ hướng dẫn chi tiết điều luật trên. Trong đó quy định chi tirts tiêu chí của danh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.
Vịệc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện theo nguyên tắc nào?
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là một chính sách ưu việt của nhà nước nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp này phát triển. Tuy nhiên chúng ta đã tham gia sâu rộng vào các hoạt động thương mại quốc tế, do đó việc hỗ trợ cũng phaỉ tuân theo những quy định quốc tế. Đồng thời những quy định đó phải chặt chẽ để tránh những tiêu cực có thể xảy ra…Xuất phát từ lý do đó Điều 5 của Luật này quy định nguyên tắc hỗ trợ như sau:
– Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tôn trọng quy luật thị trường, phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Bảo đảm công khai, minh bạch về nội dung, đối tượng, trình tự, thủ tục, nguồn lực, mức hỗ trợ và kết quả thực hiện.
– Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực.
– Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nguồn lực ngoài Nhà nước do các tổ chức, cá nhân tài trợ được thực hiện theo quy định của tổ chức, cá nhân đó nhưng không được trái quy định của pháp luật.
– Trường hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa đồng thời đáp ứng điều kiện của các mức hỗ trợ khác nhau trong cùng một nội dung hỗ trợ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan thì doanh nghiệp được lựa chọn mức hỗ trợ có lợi nhất.
Trường hợp nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng đáp ứng điều kiện hỗ trợ theo quy định của Luật này thì ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ hơn.
– Doanh nghiệp nhỏ và vừa được nhận hỗ trợ khi đã thực hiện đầy đủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo quy định thì doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ những gì?
Nội dung hỗ trợ DNN&V được quy định tại Chương II của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ như sau:
1- Hỗ trợ chung, bao gồm (8 khoản):
– Hỗ trợ tiếp cận tín dụng
– Được bảo lãnh tín dụng
– Hỗ trợ thuế, kế toán
– Hỗ trợ mặt bằng sản xuất
– Hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung
– Hỗ trợ mở rộng thị trường
– Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý
– Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực
2- Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị
– Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh
– Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo
– Đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo
– Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị
– Cho vay từ Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Luật sư có thể nói rõ hơn việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng là hỗ trợ thế nào?
Việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng được quy định tại Điều 8 Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể:
Trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách hỗ trợ tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác; khuyến khích thành lập tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài chính của doanh nghiệp để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Điều 9 của Luật này.
Hỗ trợ liên kết chuỗi giá trị là điều doanh nghiệp rất quan tâm. Như luật sư nói trên một trong những chính sách hỗ trợ của nhà nước là hỗ trợ tham gia liên kết chuỗi. Cụ thể, DNV&N được hỗ trợ gì?
Để được hỗ trợ thì doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến được hỗ trợ nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
– Tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá thành;
– Có đổi mới sáng tạo về quy trình công nghệ, vật liệu, linh kiện, máy móc, thiết bị.
Nội dung hỗ trợ bao gồm:
– Đào tạo chuyên sâu về công nghệ, kỹ thuật sản xuất; tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, chiến lược phát triển sản phẩm theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị;
– Cung cấp thông tin về nhu cầu kết nối, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị;
– Hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường sản phẩm của cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị;
– Hỗ trợ sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị;
– Trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách cấp bù lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Việc cấp bù lãi suất được thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng.
Những quy định trên được hướng dẫn bởi Mục 3 Chương IV Nghị định 39/2018/NĐ-CP. Để biết thông tin chi tiết, các bạn tham khảo Nghị định này.
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ như luật sư đã nói trên, thì DNV&N phải có nghĩa vụ gì?
Trách nhiệm của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc nhận chính sách hỗ trợ của nhà nước được quy đinh tại Điều 28 của Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, DNV&N phải có trách nhiệm sau:
– Cung cấp thông tin, tài liệu về doanh nghiệp kịp thời, đầy đủ, chính xác theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu đã cung cấp.
– Tuân thủ quy định của pháp luật; thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước.
– Thực hiện đúng cam kết với cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
– Bố trí nguồn lực đối ứng để tiếp nhận, phối hợp và tổ chức thực hiện có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ.
Cảm ơn luật sư!
Lê Chiên (thực hiện)
Mời các bạn xem thêm phần tư vấn của luật sư SBLAW về vấn đề này trên truyền hình Netviet, chuyên mục Tiềm năng Việt Nam.