Đối tượng đăng ký sáng chế.

0
451

Trong chương trình sở hữu trí tuệ Đài truyền hình VTC, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trả lời phỏng vấn về đối tượng có quyền đăng ký sáng chế.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

PV: Theo quy định của pháp luật hiện hành, những đối tượng nào được quyền đăng ký sáng chế, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo quy định tại điều 86 của Luật sở hữu trí tuệ thì quyền đăng ký sáng chế được quy định như sau:

a) Tác giả tạo ra sáng chế bằng công sức và chi phí của mình;

b) Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và thỏa thuận đó không trái với quy định của pháp luật.

c) Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.

d) Người có quyền đăng ký theo quy định có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.

e) Trong trường hợp việc tạo ra sáng chế có sử dụng ngân sách nhà nước thì việc xác định chủ thể có quyền đăng ký được thực hiện theo quy định tại Điều 9 của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 như sau:

i. Trong trường hợp sáng chế được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí, phương tiện vật chất – kỹ thuật, quyền đăng ký sáng chế thuộc về Nhà nước.

Tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký nói trên.

ii. Trong trường hợp sáng chế được tạo ra trên cơ sở Nhà nước góp vốn (kinh phí, phương tiện vật chất – kỹ thuật), một phần quyền đăng ký sáng chế tương ứng với tỷ lệ góp vốn thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước là chủ phần vốn đầu tư của Nhà nước có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện phần quyền đăng ký nói trên.

iii.Trong trường hợp sáng chế được tạo ra trên cơ sở hợp tác nghiên cứu – phát triển giữa tổ chức, cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân khác, nếu trong thoả thuận hợp tác nghiên cứu – phát triển không có quy định khác thì một phần quyền đăng ký sáng chế tương ứng với tỷ lệ đóng góp của tổ chức, cơ quan nhà nước trong việc hợp tác đó, thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước tham gia hợp tác nghiên cứu – phát triển có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký nói trên.

iv.Tổ chức, cơ quan nhà nước thực hiện quyền đăng ký sáng chế quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này đại diện nhà nước đứng tên chủ Văn bằng bảo hộ và thực hiện việc quản lý quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng đó, có quyền chuyển nhượng phần quyền đăng ký sáng chế của Nhà nước cho tổ chức, cá nhân khác với điều kiện tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng phần quyền đăng ký phải trả cho Nhà nước một khoản tiền hoặc các điều kiện thương mại hợp lý khác so với tiềm năng thương mại của sáng chế đó.