Đối tượng và điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp

0
433

Câu hỏi: Mình làm ở UBND huyện X. Ngày 01/11/2017, mình có quyết định nghỉ việc ở cơ quan đó. Cho mình hỏi: Mình có được cơ quan đóng bảo hiểm thất nghiệp cho mình không? Mình có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 Điều 43 Luật việc làm 2013 quy định đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm:

“Điều 43. Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp

1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

2. Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này”.

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn làm ở Ủy ban nhân dân huyện X nhưng lại không nói rõ bạn là viên chức, công chức, cán bộ hay là người lao động. Do đó sẽ chia các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Bạn là viên chức:

Điều 2 Luật Viên chức 2010 quy định Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Như vậy đối với viên chức thì sẽ làm việc theo hợp đồng làm việc. Do đó trong trường hợp này bạn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Hàng tháng, đơn vị sẽ trích 1% từ tiền lương của bạn để đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Trường hợp 2: Bạn là cán bộ, công chức:

Điều 4 Luật cán bộ, công chức 2008 quy định:

– Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

– Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Như vậy, cán bộ, công chức là công dân Việt Nam được làm việc theo quyết định tuyển dụng của cơ quan Nhà nước mà không phải làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc. Do đó, cán bộ, công chức sẽ không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp và sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trường hợp thứ 3: bạn là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động với thời hạn từ 03 tháng trở lên thì bạn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Nếu bạn thuộc đối tượng đóng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng, nay nghỉ việc muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp thì bạn phải đảm bảo điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm 2013 như sau:

– Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

+ Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

– Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn và không xác định thời hạn; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

– Nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời hạn 03 tháng kể từ khi chấm dứt hợp đồng lao động.

– Tháng liền kề trước khi nghỉ việc có tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp trừ trường hợp nghỉ hưởng chế độ thai sản, chế độ ốm đau hay tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Điều 50 Luật việc làm 2013 như sau:

+ Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

+ Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

– Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP bao gồm:

+ Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.

+ Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; Quyết định thôi việc; Quyết định sa thải; Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

+ Sổ bảo hiểm xã hội.

– Nơi thực hiện thủ tục hành chính: Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Phòng lao động thương binh xã hội cấp huyện nơi bạn đang cư trú.