Lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và giãn cách tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, … không ít trường hợp đã giả dạng shipper đi giao hàng nhầm trục lợi. Tình trạng này dấy lên nhiều lo ngại, một số bạn đọc đã gửi câu hỏi pháp lý đến báo An ninh thủ đô và được Luật sư Nguyễn Thị Thu – Giám đốc điều hành Công ty Luật SB Law đã giải đáp như sau. SB Law trân trọng gửi tới bạn đọc toàn văn bài phỏng vấn.
Theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ; Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại Mục 4 của văn bản này.
Hiện chỉ có các shipper thuộc các đơn vị vận chuyển đã đăng ký được phép hoạt động và phải có các giấy tờ chứng minh như lệnh giao dịch thông qua app, giấy xét nghiệm âm tính Covid-19, hóa đơn hàng thiết yếu… Do đó, việc giả mạo shipper để ra đường giao hàng hóa không thiết yếu đã vi phạm quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Lực lượng chức năng có thể kiểm tra người giao hàng để xử phạt hành chính các trường hợp giả mạo. Căn cứ vào điểm a khoản 1, Điều 12 Nghị định 117/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi ra đường không có lý do chính đáng có thể bị xử phạt tiền 1-3 triệu đồng.
Để tăng cường biện pháp phòng chống dịch, toàn thành phố đang siết chặt việc thực hiện Chỉ thị 16, do đó các cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp xử lý mạnh hơn với những hành vi cố tình vi phạm, tìm cách “lách luật” như trường hợp giả shipper, mang theo đồ thiết yếu ra đường…
Nguồn và ảnh bài viết: https://anninhthudo.vn/gia-dang-shipper-de-lay-co-ra-duong-se-bi-phat-nang-post476119.antd