Giải pháp tăng cường, đảm bảo các điều kiện ăn, ở học tập cho học sinh vùng cao

0
153
Mặc dù, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm tăng cường, bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em mầm non, học sinh nội trú, bán trú, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện ở một số nơi còn chưa được tốt, ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt, học tập của các em.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em mầm non, học sinh nội trú, bán trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ngày 20 tháng 12 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1385/CĐ-TTg “Về tăng cường, đảm bảo các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ mầm non, học sinh nội trú, bán trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Để giúp bạn đọc nắm rõ thông tin, Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW) đã có những trao đổi xung quanh vấn đề này.

Giải pháp tăng cường, đảm bảo các điều kiện ăn, ở học tập cho học sinh vùng cao

Trong công điện, Thủ tướng chỉ đạo thực hiện nhiều nội dung; dưới góc nhìn pháp lý theo luật sư thì đâu là nội dung trọng tâm nhất của Công điện?

Tôi cho rằng các nội dung mà Thủ tướng chỉ đạo trong Công điện đều quan trọng, trong đó quan trọng nhất là Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2016; Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 9 năm 2020 ; các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021; Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2021; Quyết định số 1609/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2022

Theo tôi, nếu thực hiện nghiêm các quy định tại các văn bản nêu trên, theo yêu cầu của Thủ tướng thì nhất định điều kiện ăn ở, học hành của  các cháu học sinh sẽ tốt.

Luật sư có thể nói rõ quy định tại các văn bản nêu trên là những quy định gì?

Nghị định số 116/2016/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn

Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non

Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030

Quyết định số 1660/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025

Quyết định số 1609/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 – 2030

 Tuy nhiên đó chỉ là những nét khái quát, nêu nội dung cơ bản của những văn bản đó. Đi vào chi tiết từng văn bản thì có rất nhiều quy định, trong phạm vi bài viết tôi chỉ điểm một số vấn đề cốt lõi, mang tính gợi ý, trên cơ sở đó các bạn tham chiếu để nắm được đầy đủ.

Cần đảm bảo đủ các điều kiện sinh hoạt học tập cho trẻ em vùng cao
Cần đảm bảo đủ các điều kiện sinh hoạt học tập cho trẻ em vùng cao ( Ảnh Internet)

Học sinh được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo…

Nghị định số 116/2016/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Mức hỗ trợ được quy định tại Điều 5, Nghị định này. Cụ thể là:

1. Học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định này được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo với mức hỗ trợ được quy định tại khoản 1, Điều 5 của Nghị định này.

2. Trường phổ thông dân tộc bán trú được hỗ trợ: Đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị; mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, máy thu hình, phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao và các vật dụng khác; lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú…Theo quy định tại khoản 1, Điều 5 của Nghị định này

3. Trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh là đối tượng hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định này: Được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều này; được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất theo quy định tại Điểm a, b, c Khoản 2 Điều này tùy theo số lượng học sinh được hưởng và nguồn kinh phí hiện có.

Đối với học sinh mầm non thì Nhà nước quy định chính sách hỗ trợ thế nào?

Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non. Điều 4, Nghị định này quy định chính sách ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn. Trong đó nêu rõ: Ưu tiên đầu tư kinh phí của Trung ương và địa phương từ các chương trình, dự án để xây dựng cơ sở giáo dục mầm non công lập ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; Hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ em… (Chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo – Điều 7)…

Chính sách hỗ trợ đối với học sinh mầm non
Chính sách hỗ trợ đối với học sinh mầm non ( Ảnh Internet)

Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Trong Công điện Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg, vậy đó là nhiệm vụ, giải pháp gì?

Ngày 14 tháng 10 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định cố 1791/QĐ-TTG, ban hành kèm theo Quyết định này là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025. Với mục tiêu là: …đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân; …Để đạt mục tiêu này, Chương trình cũng đưa ra giải pháp: cơ chế; chính sách thực hiện chương trình (Mục V).

Về nguyên tắc và giải pháp chủ yếu thực hiện Chương trình:

 Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số…

Về giải pháp huy động vốn: Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn để thực hiện Chương trình, trong đó ngân sách nhà nước đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định; có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA; tăng cường huy động các nguồn đóng góp hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài. Bảo đảm cân đối, bố trí, huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu nguồn vốn đã được quyết định; bảo đảm tỷ lệ vốn đối ứng của các địa phương và trách nhiệm tham gia thực hiện Chương trình của người dân, đối tượng thụ hưởng.

Bên cạnh đó, còn có giải pháp “Về cơ chế, chính sách hỗ trợ; quản lý, thực hiện Chương trình”; “Về hoàn thiện bộ máy quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình”; “Về công tác tuyên truyền”; “Về khoa học, kỹ thuật và công nghệ”; “Về mở rộng hợp tác quốc tế”

Cảm ơn luật sư!

Nguồn: https://m.tapchinongthonmoi.vn/giai-phap-tang-cuong-dam-bao-cac-dieu-kien-an-o-hoc-tap-cho-hoc-sinh–24870.html