Từ tháng 2/2018, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm tự công bố sản phẩm và được quyền kinh doanh ngay sản phẩm thực phẩm đó mà không mất thời gian chờ đợi các giấy phép của cơ quan chức năng.
Sáng 23/2, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam – VCCI phối hợp Hiệp hội Sữa Việt Nam tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 15/2018 NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Nghị định 15 có 11 nội dung thay đổi mạnh mẽ, căn bản về phương thức quản lý an toàn thực phẩm (ATTP). Một trong những quy định được cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh thực phẩm đặc biệt chú ý là quy định về thực hiện tự công bố thực phẩm đã qua chế biến (Điều 4). Khi tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và chỉ cần “nộp 1 bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”.
Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó.
Quy định này thay đổi rất căn bản cách thức quản lý về ATTP. Quy định trước đây, doanh nghiệp muốn công bố 1 sản phẩm thực phẩm phải gửi đến cơ quan bộ ngành để xin phép. Trong thực tế đã có câu chuyện “một cái bánh cõng 13 giấy phép”. Từ nay, doanh nghiệp, cá nhân tự công bố sản phẩm, phải tự đảm bảo chất lượng, an toàn của sản phẩm. Phương thức quản lý của cơ quan quản lý nhà nước cũng được thay đổi từ “tiền kiểm sang hậu kiểm”; chỉ thanh tra kiểm tra sản phẩm khi sản phẩm đã ra thị trường.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định 10 trường hợp không cần xin cấp GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP, gồm:
– Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
– Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;
– Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;
– Sơ chế nhỏ lẻ;
– Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;
– Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
– Nhà hàng trong khách sạn;
– Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;
– Kinh doanh thức ăn đường phố;
– Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương còn hiệu lực.
Các cơ sở trên phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tương ứng.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 02/02/2018.