Giao dịch thương mại điện tử: Người tiêu dùng vẫn chưa có ý thức để tự bảo vệ mình

0
489

Nhận lời mời của Truyền hình An ninh, Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã có những chia sẻ về những vấn đề về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử

Thưa ông. Thương mại điện tử phát triển, hình thức mua hàng online ngày càng trở nên phổ biến song ông thấy, người bán và người mua, họ có quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Trả lời:

Dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực kể từ năm 2010 tuy nhiên cho đến nay các quy định của Luật này vẫn chưa thực sự đi vào đời sống của người dân; người bán và cả chính những người mua hàng dường như không quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hiện nay, các hình thức mua hàng online ngày càng trở nên phổ biến với phương thức người bán hàng sẽ đăng các hình ảnh về mẫu mã sản phẩm để giới thiệu đến người dùng. Trên thực tế thậm chí có nhiều trường hợp những người có nhu cầu mua sắm chỉ cần lựa chọn hình ảnh về mặt hàng mình muốn mua và người bán sẽ giao hàng tận nơi đến cho người mua. Với phương thức như vậy có thể hiểu là người tiêu dùng chỉ thực sự nhìn nhận/ đánh giá được mặt hàng mình mua khi đã được nhận tận tay (giao dịch mua bán đã hoàn thành).

Như vậy, với cách thức mua hàng nói trên đã thể hiện sự thờ ơ của chính những người tiêu dùng tới chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm mà mình muốn mua. Có rất nhiều trường hợp khi mua hàng về mới phát hiện là hàng giả, kém chất lượng tuy nhiên do tâm lý e ngại, cùng với việc những người bán hàng thường thiếu thiện chí khi có khách hàng khiếu nại về sản phẩm của mình nên những người tiêu dùng đã không thể bảo vệ quyền lợi của mình một cách chính đáng.

Trong thương mại điện tử, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gặp phải những khó khăn gì, thưa ông?

Hiện nay vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải đối mặt với hai vấn đề lớn, cụ thể như sau:

Thứ nhất, xuất phát từ chính tâm lý của những người mua hàng trên các website thương mại điện tử. Bên cạnh những người tiêu dùng sáng suốt thì cũng còn những người vẫn tin tưởng vào những “quảng cáo sai sự thật” để lựa chọn mua hàng. Tâm lý nhẹ dạ, dễ dãi đã khiến cho những người tiêu dùng này gặp phải những thiệt hại không đáng có. Cái chính là ngay cả người tiêu dùng – những người bị thiệt hại trực tiếp còn không tự ý thức để bảo vệ mình, không tố giác những hành vi sai trái thì làm sao các cơ quan chức năng có xử lý được?

Thứ hai, dù pháp luật nước ta đã có những quy định cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử song về cơ bản vẫn còn một số bất cập vẫn chưa được giải quyết.

Hiện nay, một số văn bản pháp luật như Nghị định 52/2013/NĐ – CP, Thông tư 47/2014/TT – BCT hay Nghị định 185/2013/NĐ – CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2015/NĐ – CP) đã có những quy định tạo khung pháp lý cho các giao dịch thương mại điện tử, vừa tạo điều kiện để thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử vừa đảm bảo sự lành mạnh trong các giao dịch. Tuy nhiên, các văn bản này còn bộc lộ một số hạn chế như chưa điều chỉnh các hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội như Facebook cũng như các chế tài đối với các hành vi vi phạm qua mạng xã hội. Bên cạnh đó, vấn đề về giao kết hợp đồng mua hàng trực tuyến cũng chưa được hướng dẫn một cách chi tiết, cụ thể; thiếu những cảnh báo cần thiết đối với người tham gia.

Cơ chế nào để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng qua thương mại điện tử, thưa ông?

Xuất phát từ những khó khăn nêu trên, theo tôi để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng qua thương mại điện tử thì cần có sự phối hợp từ chính những người dân khi tham gia mua hàng đến các cơ quan chức năng. Trước hết, theo tôi, chính những người dân trong xã hội cần nâng cao ý thức pháp luật về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, tỉnh táo trong việc lựa chọn các trang web bán hàng uy tín để giảm thiểu rủi ro trong việc mua bán các sản phẩm, hàng hóa.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nâng cao trách nhiệm quản lý, tăng cường xử lý các trường hợp sai phạm cũng như khuyến cáo, tuyên truyền kiến thức pháp luật về vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong xã hội. Hiện nay các giao dịch thông qua mạng điện tử phát triển đồng thời tạo điều kiện để các hacker hoạt động bằng nhiều phương thức khác nhau, do đó cần có sự can thiệp mang tính chuyên môn từ phía các cơ quan quản lý để giảm thiểu rủi ro một cách tối đa nhất tới người tiêu dùng.