Câu hỏi: Trong thời điểm dịch COVID-19, tôi đã ký kết hợp đồng lao động qua phương tiện thông tin điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu, vì vậy tôi muốn biết là hợp đồng điện tử tôi đã ký kết có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản không?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Lao động 2019:
“1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.”
Vì vậy hợp đồng lao động mà bạn đã giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý tương đương với hợp đồng lao động bằng văn bản.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, để hợp đồng lao động của bạn thật sự có hiệu lực, hợp đồng đó phải được ký bằng chữ ký điện tử. Chữ ký điện tử ở Việt Nam hiện nay mới chỉ được biết đến với 3 loại phổ thông trên thế giới: chữ ký số, chữ ký scan và chữ ký hình ảnh. Thực tế, pháp luật Việt Nam chỉ mới công nhận hiệu lực của các hợp đồng được lập bằng hình thức điện tử và được ký bằng chữ ký số. Để có thể tạo lập một chữ kí điện tử, người có nhu cầu có thể đến những tổ chức thực hiện dịch vụ cung cấp chữ kí điện tử bao gồm tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử công cộng và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử chuyên dùng được phép thực hiện các hoạt động chứng thực chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật (căn cứ tại Điều 4 Nghị định số 130/2018/NĐ-CP).