Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB LAW trả lời trong Chương trình HIỂU ĐÚNG – LÀM ĐÚNG về tình huống giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
TH: Anh Tài là 1 thanh niên khá hiền lành trong xóm nên thường bị đội anh Tú, anh Trọng, chị Hoa bắt nạt. Trong một lần không giữ được bình tĩnh, anh Tài đã dùng hung khí làm trọng thương anh Tú và anh Trọng. Để biện hộ cho hành vi của anh Tài, chị Thu là chị gái của anh Tài đã tìm đến luật sư xin tư vấn.
Luật sư tư vấn:
Hành vi của Tài: dùng hung khí (dao) đâm trọng thương anh Tú và anh Trọng. Tuy nhiên, Tài đâm anh Trọng và anh Tú trong lúc tức giận, bị kích động mạnh.
Trường hợp 1: Anh Tú và anh Trọng chết
Hành vi của Tài có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 95 BLHS).
Điều 95 BLHS quy định: “1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
- Giết nhiều người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm”.
Thứ nhất, xem xét trạng thái tinh thần của người phạm tội lúc thực hiện hành vi giết người là bị kích động mạnh.
Người bị kích động về tinh thần là người không còn nhận thức đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức. Lúc đó họ mất khả năng tự chủ và không thấy hết được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình; trạng thái tinh thần của họ gần như người điên (người mất trí). Trạng thái này chỉ xảy ra trong chốc lát, sau đó tinh thần của họ trở lại bình thường như trước.
Trong tình huống này, lúc đâm vào người Trọng và Tú thì Tài không còn nhận thức đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường, trạng thái tinh thần của Tài gần như người điên. Trạng thái này chỉ xảy ra trong chốc lát, sau đó “Tài mới sực tỉnh”.
Thứ hai, người bị giết phải là người có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng.
Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân, trước hết bao gồm những hành vi vi phạm pháp luật hình sự xâm phạm đến lợi ích của người phạm tội hoặc đối với những người thân thích của người phạm tội. Thông thường những hành vi trái pháp luật của nạn nhân xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người phạm tội và những người thân thích của người phạm tội, nhưng cũng có một số trường hợp xâm phạm đến tài sản của người phạm tội như: đập phá tài sản, đốt cháy, cướp giật, trộm cắp, …
Ngoài hành vi vi phạm pháp luật hình sự, nạn nhân còn cả những hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật khác như: Luật hành chính, Luật lao động; Luật giao thông, Luật dân sự; …
Việc xác định một hành vi trái pháp luật của nạn nhân đã tới mức nghiêm trọng hay chưa cũng phải đánh giá một cách toàn diện. Có hành vi chỉ xảy ra một lần đã là nghiêm trọng, nhưng cũng có hành vi nếu chỉ xảy ra một lần thì chưa nghiêm trọng, nhưng nó được lặp đi lặp lại nhiều lần thì lại thành nghiêm trọng.
Trong tình huống này, Tài bị anh Tú, anh Trọng, chị Hoa bắt nạt thường xuyên, hành vi của Tài cũng được coi là bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của Trọng, Tú và Hoa.
Nạn nhân phải bị chết thì người thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của nạn nhân mới cấu thành Tội giết người trong trạng thái tình thần bị kích động mạnh.
Thứ ba, hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân phải là nguyên nhân làm cho người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần.
Do Trọng, Tú và Hoa bắt nạt Tài thường xuyên nên trong lúc tức giận Tài mới đâm Trọng và Tú.
Như vậy, trong tình huống này Tài sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Trường hợp 2: Anh Tú và anh Trọng không chết
Vẫn xét những dấu hiệu như trong trường hợp 1 nhưng nếu nạn nhân không chết và bị thương có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh quy định tại Điều 105 Bộ luật hình sự.