Hành vi cạnh tranh không lành mạnh dưới góc nhìn luật sư

0
783

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty Luật TNHH SB Law đã được mời đến Đài truyền hình Việt Nam để đối thoại về chủ đề “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh” trong chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” của Kênh VTV2. Dưới đây là những nội dung mà Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã chia sẻ tại trường quay:

Câu hỏi: Theo quan sát của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, trên thực tế, đâu là hành vi cạnh tranh không lành mạnh phổ biến, thưa Ông?

Luật sư trả lời:

Thông qua các quy định của luật cạnh tranh hiện hành tôi có thể chia các hành vi cạnh tranh làm 02 nhóm chính bao gồm:

(i) những hành vi xâm phạm đến lợi ích của các đối thủ tham gia cạnh tranh khác;

(ii) nhóm hành vi xâm hại đến lợi ích của khách hàng.

Ngoài ra tại Khoản 10 Điều 39 Luật cạnh tranh 2004 còn quy định: “Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác theo tiêu chí xác định tại khoản 4 Điều 3 của Luật này do Chính phủ quy định”. Thực tế trên thị trường cho thấy vấn đề cạnh tranh không lành mạnh rất khó bao quát nên các nhà làm luật đã không loại trừ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh mới, chưa được định định danh tại Điều luật này.

Hiện tại, có thể kể đến một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh phổ biến trên thị trường Việt Nam bao gồm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong khuyến mại như các hoạt động khuyến mại gian dối về giải thường, khuyến mại không trung thực để lừa dối khách hàng…; các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo như là quảng cáo so sánh với sản phẩm của doanh nghiệp khác hoặc là các hành vi quảng cáo sai sự thật; tuy đã xuất hiện từ lâu song hành vi làm giả, làm nhái các nhãn hiệu của sản phẩm nổi tiếng vẫn diễn ra tràn lan, gây cản trở trong hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để công kích, cản trở hoạt động kinh doanh của các đối thủ mà có nhiều doanh nghiệp đã có những hành vi tấn công vào đối thủ cạnh tranh để làm suy giảm lợi thế cạnh tranh của đối thủ như tung các thông tin sai trái làm mất uy tín của đối thủ cạnh tranh, gây sự hoang mang cho người tiêu dùng hoặc lôi kéo, mua chuộc đối tác của đối thủ cạnh tranh….

Câu hỏi: Rõ ràng, pháp luật đã quy định cụ thể về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh với các quy định ràng buộc và chế tài kèm theo. Vậy tại sao, diễn biến của thực trạng này lại càng trở nên phức tạp như vậy? Lý giải như thế nào, thưa Luật sư Nguyễn Thanh Hà?

Luật sư trả lời:

Trước hết phải khẳng định rằng chế tài xử phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở nước ta được quy định khá chi tiết, đầy đủ, phù hợp với pháp luật quốc tế; các chế tài xử phạt bao gồm chế tài hành chính, chế tài hình sự và chế tài dân sự. Đặc biệt, nhằm đảm bảo cho công tác xử lí vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, bắt kịp với xu hướng phát triển chung của xã hội mà các chính sách về quản lý cạnh tranh luôn được cập nhật, thay đổi.

Cụ thể, Nghị định 71/2014/NĐ – CP được ban hành thay thế cho Nghị định số 120/2005/NĐ-CP đã khắc phục được các hạn chế của luật cũ đồng thời làm cơ sở cho các quyết định xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh. Tuy nhiên hiện tại thực trạng cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn tiếp diễn, xuất phát từ một số nguyên nhân như sau:

– Thứ nhất, do chế tài xử phạt trong lĩnh vực cạnh tranh còn chưa đủ mạnh, tuy Nghị định 71 đã có những quy định mới cụ thể hơn về cách thức xác định mức tiền phạt song về cơ bản chế tài xử phạt hành chính này vẫn chưa đủ sức răn đe đối với nhiều doanh nghiệp. Trên thực tế, việc các doanh nghiệp tiến hành các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đôi khi sẽ mang về các khoản lợi nhuận hay lợi ích cực lớn nên nhiều doanh nghiệp sẵn sang bỏ ra một số tiền để nộp phạt. Đây được xem là tâm lý chung của các doanh nghiệp hiện nay.

– Thứ hai, xuất phát từ chế tài dân sự là bồi thường thiệt hại, có thể nói bản chất của bồi thường thiệt hại là việc khôi phục, bù đắp lại những tổn thất mà một bên phải gánh chịu do hành vi vi phạm của bên còn lại gây ra. Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp bị đối thủ vi phạm pháp luật về cạnh tranh như thực hiện các hành vi bán phá giá hay gièm pha doanh nghiệp thì rất khó để xác định được thiệt hại là gì. Chưa kể đến việc tiến hành tố tụng tại Tòa án thường theo thủ tục pháp lý nhất định, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến danh tiếng, công việc kinh doanh nên các Doanh nghiệp thường lựa chọn phương pháp hòa giải thay vì tiến hành khởi kiện.

– Thứ ba, hiện nay có rất nhiều ý kiến cho rằng pháp luật cạnh tranh nên học hỏi kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới về việc quản lý cạnh tranh, cụ thể nên sát nhập Cục quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh lại thành một cơ quan có đầy đủ thẩm quyền của hai tổ chức hiện tại. Nếu thực hiện việc sát nhập như vậy sẽ tạo điều kiện để việc điều tra cũng như xét xử được tiến hành một cách thống nhất và đồng bộ.

Câu hỏi: Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng làm chủ được tình huống và giải quyết được vấn đề này. Trên thực tế, số vụ việc được đưa ra ánh sáng, công khai khiếu nại, khiếu kiện chỉ là số ít. Ông nghĩ sao về thực trạng này, thưa Luật sư Nguyễn Thanh Hà?

Luật sư trả lời:

Như tôi đã trình bày ở phần trên, thực trạng này xuất phát từ tâm lý ngại “khởi kiện” của các doanh nghiệp, hơn nữa các thủ tục pháp lý cũng như các cơ quan quản lý chưa tạo được lòng tin từ các doanh nghiệp nên thay vì tiến hành khiếu nại, khiếu kiện để bảo vệ mình một cách hợp pháp nhất thì các doanh nghiệp thường lựa chọn cách “tự giải quyết” với nhau. Bên cạnh đó do bản thân nhiều doanh nghiệp hiện tại không có nhiều kiến thức về Luật cạnh tranh nên đã không thể tự bảo vệ mình khi gặp phải hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Theo ý kiến của cá nhân tôi, tâm lý như vậy của các doanh nghiệp đã làm gia tăng vấn nạn này bởi có thể thây, các doanh nghiệp chính là những nhân tố đầu tiên chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh tuy nhiên nếu các doanh nghiệp không lên tiếng thì thực sự gây khó khăn rất lớn cho các cơ quan quản lý trong việc kiểm tra, xử lý đối với các hành vi đó.

Câu hỏi: Vậy, theo Ông, doanh nghiệp cần làm gì khi đối diện với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh?

Luật sư trả lời:

Một trong các nguyên nhân khiến thực trạng gia tăng của các hành vi cạnh tranh không lành mạnh xuất phát từ phía các doanh nghiệp. Do đó theo ý kiến của cá nhân tôi thì trước tiên, các doanh nghiệp cần xóa bỏ tâm lý ngại khởi kiện, tích cực thực hiện các quyền khiếu nại để đảm bảo lợi ích của mình.

Cụ thể, các doanh nghiệp cần chủ động liên kết chặt chẽ, cung cấp cho Cục QLCT các thông tin cụ thể, chính xác, kịp thời khi nghi ngờ đối thủ cạnh tranh có các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật để từ đó Cục QLCT có thể nắm bắt, tiến hành điều tra để xử lý nghiêm minh. Tôi cho rằng đã đến lúc các doanh nghiệp cần thực sự hiểu rõ tầm nghiêm trọng của vấn đề bởi cạnh tranh không lành mạnh không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp mà nó còn tác động không tốt đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Mời Quý vị xem nội dung chương trình tại đây: