Thứ nhất, về việc bồi thường cho gia đình lân cận:
Theo quy định tại Điều 174 BLDS năm 2015 về nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng thì:
“Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh”.
Theo đó, cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm tài sản của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường (ngoài hợp đồng).
Thứ hai, về việc xử phạt vi phạm hành chính:
Tại Điều 3 Thông tư số 02/2014/TT-BXD quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở có quy định như sau:
“1. Tổ chức, cá nhân có hành vi tổ chức thi công xây dựng vi phạm quy định về xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận (bao gồm cả công trình hạ tầng kỹ thuật); có nguy cơ làm sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 2, Khoản 4 Điều 13; Khoản 2, Khoản 5 Điều 27 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, đồng thời bị ngừng thi công xây dựng để bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP”.
Theo đó:
Thứ nhất, khi tổ chức, cá nhân có hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm các quy định gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận thì sẽ bị xử phạt như sau (Khoản 2 Điều 13):
– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ nông thôn hoặc công trình xây dựng khác không thuộc trường hợp quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản này;
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị;
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
Thứ hai, khi tổ chức, cá nhân có hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm công tác quản lý chất lượng công trình gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận mà không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác thì sẽ bị xử phạt như sau (Khoản 4 Điều 13):
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn hoặc công trình xây dựng khác không thuộc trường hợp quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản này;
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị;
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
Bên cạnh đó, Khoản 5 Điều 27 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP cũng quy định xử phạt hành vi thi công xây dựng công trình vi phạm các quy định về xây dựng gây lún, nứt công trình lân cận, công trình hạ tầng kỹ thuật như sau: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ nông thôn; phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị và 20-30 triệu đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
Đồng thời, công trình cũng bị ngừng thi công xây dựng để bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP.