Hậu quả pháp lý của doanh nghiệp nợ thuế

0
1004

Câu hỏi: Chào Luật sư, cho tôi hỏi hậu quả pháp lý khi doanh nghiệp không nộp thuế đúng hạn là như thế nào, có bị tạm ngừng mã số thuế không? Xin cám ơn.

Luật sư tư vấn:

  1. Cơ sở pháp lý
  • Luật quản lý thuế 2019;
  • Nghị định 129/2013/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;
  • Thông tư 166/2013/TT-BTC Quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế;
  • Thông tư 26/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 2 năm 2015 của chính phủ quy định chi tiết thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của bộ tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ
  1. Nội dung tư vấn:

– Căn cứ Thông tư 26/2015/TT-BTC tại Khoản 9 Điều 2 sửa đổi, bổ sung Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định trường hợp chậm nộp thuế theo quy định của pháp luật chịu mức phạt:

  • Đối với khoản tiền nợ thuế phát sinh từ ngày 01/01/2015 thì tiền chậm nộp được tính theo mức 0,05%/ ngày.
  • Đối với khoản tiền nợ thuế phát sinh trước ngày 01/01/2015 nhưng sau ngày 01/01/2015 vẫn chưa nộp thì tính tiền chậm nộp như sau: Trước ngày 01/01/2015 tính phạt chậm nộp theo quy định của luật quản lý thuế số 78/2006/QH11, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13. Tiền chậm nộp được tính theo mức lũy tiến 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp không quá chín mươi ngày; 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp vượt quá thời hạn chín mươi ngày; Từ ngày 01/01/2015, tiền chậm nộp được tính theo mức 0,05%/ngày.
  • Người nộp thuế khai thiếu tiền thuế của kỳ tính thuế trước ngày 01/01/2015 nhưng sau ngày 01/01/2015 người nộp thuế tự phát hiện hoặc qua thanh tra, kiểm tra phát hiện ra thì nộp thuế theo mức 0,05%/ngày.

Ngoài ra, công ty sẽ bị cơ quan thuế cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính nếu việc nộp thuế của doanh nghiệp thuộc vào các trường hợp được quy định tại điều 18 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế:

“Điều 18. Các trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế

  1. Các trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế đối với người nộp thuế:a) Người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế đã quá 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định; quá thời hạn gia hạn nộp thuế; b) Người nộp thuế còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt có hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn; c) Quá thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế mà người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Trường hợp, quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế có thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày mà người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế (trừ trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt).
  2. Tổ chức tín dụng không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và Luật Xử lý vi phạm hành chính.
  3. Đối với bên bảo lãnh nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt cho người nộp thuế theo văn bản bảo lãnh nếu đến thời hạn quy định mà người nộp thuế chưa nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt vào tài khoản của ngân sách nhà nước thì bên bảo lãnh phải nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt cho người nộp thuế theo văn bản bảo lãnh. Trường hợp, quá 90 ngày, kể từ ngày hết hạn nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt theo văn bản chấp thuận của cơ quan thuế mà chưa nộp đủ thì bên bảo lãnh bị cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế và Luật Xử lý vi phạm hành chính.
  4. Kho bạc Nhà nước không thực hiện việc trích tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế vào ngân sách nhà nước theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của cơ quan thuế.
  5. Tổ chức, cá nhân có liên quan không chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của cơ quan có thẩm quyền.
  6. Người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt đến thời hạn áp dụng biện pháp cưỡng chế thuế thuộc đối tượng được cơ quan thuế ra quyết định cho nộp dần tiền nợ thuế, tiền phạt theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Điều 79 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì chưa áp dụng biện pháp cưỡng chế trong thời gian được nộp dần tiền nợ thuế, tiền phạt”.

–  Liên quan đến thắc mắc về vấn đề có bị tạm ngừng mã số thuế trong thời gian nợ thuế hay không, thì theo Khoản 1  Điều 39 Luật quản lý thuế 2019 quy định các trường hợp chấm dứt hiệu lực mã số thuế:

Điều 39. Chấm dứt hiệu lực mã số thuế

  1. Người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh thì thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

         a) Chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc giải thể, phá sản;

         b) Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

         c) Bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất.”

Như vậy, nếu trong trường hợp doanh nghiệp vẫn đang trong thời gian hoạt động mà chỉ đang nợ thuế, chưa ngừng hoạt động thì mã số thuế vẫn chưa hết hiệu lực, không bị tạm ngừng mã số thuế.