Hộ kinh doanh không cần phải thành lập doanh nghiệp để vay vốn

0
641

Nhận lời mời của Truyền hình Công an nhân dân, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law đã có những chia sẻ về vấn đề vay vốn của hộ kinh doanh theo quy định mới tại Thông tư 39/2016 của Ngân hàng nhà nước.

Câu hỏi: Thông tư 39/2016/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà  nước  đã  ban  hành  ngày 30-12-2016 quy định các nội dung về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Theo đó, khách hàng của các tổ chức tín dụng phải là pháp nhân được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân được thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; Cá nhân có quốc tịch Việt Nam, có quốc tịch nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc, các hộ kinh doanh theo hình thức hộ gia đình sẽ không được vay vốn ngân hàng với tư cách là hộ gia đình? Vậy các hộ gia đình mà muốn vay vốn sản xuất, phát triển kinh doanh phải làm thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ – CP về đăng ký doanh nghiệp thì hộ kinh doanh được hiểu là do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng kýkinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

Mặt khác, Khoản 5 Điều 2 Thông tư 39/2016/TT – NHNN đã quy định: “Cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác (sau đây gọi là hoạt động kinh doanh) là việc tổ chức tín dụng cho vay đối với khách hàng là pháp nhân, cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngoài quy định tại khoản 4 Điều này, bao gồm nhu cầu vốn của pháp nhân, cá nhân đó và nhu cầu vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân mà cá nhân đó là chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân”.

Như vậy, theo quy định tại Thông tư 39 thì việc vay vốn của các hộ kinh doanh sẽ được xác lập thông qua người đại diện là chủ hộ kinh doanh, vay vốn tại ngân hàng với tư cách cá nhân. Tương tự như vậy, trường hợp hộ kinh doanh do một hộ gia đình làm chủ thì khi có nhu cầu vay vốn, các thành viên của hộ gia đình sẽ thống nhất ủy quyền cho người đại diện tham gia giao dịch với ngân hàng.

Câu hỏi: Trong trường hợp nếu cá nhân đại diện cho hộ kinh doanh đứng lên vay nếu sau đó phát sinh tranh chấp sẽ giải quyết như thế nào?

Trả lời:

Để nói đến vấn đề giải quyết tranh chấp thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố cũng như nội dung cụ thể của từng vụ việc tranh chấp trên thực tế hay quy định hướng dẫn của các văn bản pháp luật liên quan như thế nào và quan điểm của Tòa án ra sao….

Theo quan điểm của tôi nhằm hạn chế những rủi ro phát sinh tranh chấp cũng như ràng buộc trách nhiệm pháp lý của các thành viên trong hộ kinh doanh với nhau thì có thể thực hiện một vài phương án như sau: Trường hợp hộ kinh doanh muốn vay vốn thì các thành viên của hộ đó có thể cùng bàn luận, thống nhất và giao kết một văn bản ủy quyền với nội dung được nêu rõ là ủy quyền cho chủ hộ hoặc một thành viên trong hộ thay mặt cho hộ kinh doanh tiến hành thủ tục vay vốn tại ngân hàng với tư cách cá nhân. Ngoài ra, trong hồ sơ vay vốn cần phải thể hiện rõ mục đích là để phục vụ cho hoạt động của hộ kinh doanh hoặc tài sản bảo đảm dùng để vay vốn thì có thể sử dụng tài sản chung của hộ…..

Tuy nhiên, trên thực tế Bộ luật dân sự 2015 nói chung cũng như Thông tư 39 nói riêng còn khá mới và để làm rõ hơn về vấn đề pháp lý của hộ kinh doanh, hộ gia đình hay tổ hợp tác thì cần có các văn bản hoặc các hướng dẫn từ phía cơ quan nhà nước.