Bộ Công an đã bắt nguyên phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội cùng 2 bị can khác vì những vi phạm liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường.
Ngày 29-11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cho biết đang điều tra mở rộng vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) và các đơn vị có liên quan.
Vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Căn cứ kết quả điều tra mở rộng và tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở KH&ĐT TP Hà Nội và các đơn vị có liên quan.
Đồng thời cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam các bị can Nguyễn Tiến Học – nguyên phó giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội, Phạm Thị Kim Tuyến – trưởng phòng đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT và Lê Duy Tuấn – giám đốc kinh doanh Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Kinh về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015.
Cơ quan điều tra cũng ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Bùi Quang Huy -tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nhật Cường, giám đốc Nhật Cường Software, hiện đang bị truy nã.
Cùng ngày, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên. Cơ quan điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định và lệnh nêu trên đối với các bị can đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật, tiếp tục truy bắt đối với bị can Bùi Quang Huy.
Xung quanh vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SSBLAW.
1/ Ông đánh giá như thế nào về vụ việc này?
Trả lời:
Cuối năm 2016 Sở KHĐT TP Hà Nội đã có Quyết định Phê duyệt kế hoạch đấu thầu gói thầu “Số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội của Sở Kế hoạch và Đầu tư – năm 2016”.
Kế hoạch đấu thầu gói thầu này được thực hiện dựa trên đề nghị của Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh số 01. Đây là đơn vị bà Phạm Thị Kim Tuyến từng làm người phụ trách phòng.
Giá trị gói thầu là hơn 42,9 tỷ đồng được lấy từ nguồn vốn chi sự nghiệp khoa học công nghệ (nghiệp vụ ngoài định mức) năm 2016. Thời gian thực hiện hợp đồng là 270 ngày, tính từ ngày kí hợp đồng.
Công ty Nhật Cường và Công ty Đông Kinh đã liên danh để thực hiện đấu thầu. Gói thầu được mở thầu ngày 23/12/2016, đơn vị trúng thầu là liên danh Nhật Cường – Đông Kinh. Hợp đồng được ký sau đó 3 ngày vào ngày 26/12/2016.
Các bị can bị cáo buộc có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu giá gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp năm 2016 – 2017 tại Sở KHĐT TP Hà Nội, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Đây là mới là giai đoạn đầu của quá trình điều tra, dư luận cần cẩn trọng trong việc xác định tội danh, cần đợi quá trình xác minh, lấy lời khai của các bị can sau đó còn quá trình trưng cầu giám định để có thể kết luận là các bị can trên có vi phạm pháp luật hay không? Và nghiêm trọng đến mức độ nào?
Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân của tôi, để ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam thì các cơ quan điều tra đã có một quá trình dài xác minh, khi có đủ căn cứ mới tiến hành quá trình tố tụng.
Từ vụ việc này, có thể thấy, nhiều hoạt động đấu thầu, nhất là các gói thầu của các đơn vị công thường chứa nhiều tiêu cực, không khách quan, nhiều gói thầu có giá trị thường bị sắp xếp cho những doanh nghiệp thân hữu trúng thầu, rất ít gói thầu mà quá trình đấu thầu khách quan, trung thực.
Việc xử lý vụ việc này một cách nghiêm túc, đưa vào diện Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng theo dõi được cho là dấu hiệu thể hiện sự quyết tâm chống lại hành vi thông thầu nói riếng và tham nhũng nói chung.
2/ Vi phạm đấu thầu, xử lý như nào?
Trả lời:
Việc xử lý vi phạm đấu thầu được xử lý theo chế tài hành chính và chế tài hình sự.
Chế tài hành chính được quy định cụ thể tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Căn cứ Điều 121 Nghị định này, các hình thức xử phạt vi phạm đấu thầu bao gồm:
– Cảnh cáo, phạt tiền được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Cụ thể, hình thức cảnh cáo, phạt tiền áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu được quy định tại mục 3 Chương II của Nghị định số 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Trong đó, những hành vi bị xử lý là: Vi phạm các quy định về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Vi phạm các quy định về hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; Vi phạm các quy định về tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự tuyển; … với mức phạt tiền cao nhất là 40 triệu đồng với hành vi đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu, nhà đầu tư không đúng tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu; …
– Cấm tham gia hoạt động đấu thầu được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại Điều 89 của Luật Đấu thầu và Khoản 8 Điều 12 của Nghị định này.
Theo đó, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi bị cấm theo quy định của luật đấu thầu và vi phạm quy định về sử dụng lao động sẽ bị cấm tham gia vào hoạt động đấu thầu và đưa vào danh sách các nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Cụ thể:
Ø Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 03 năm đến 05 năm đối với một trong các hành vi đưa, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu; thông thầu; gian lận; cản trở.
Ø Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 01 năm đến 03 năm đối với một trong các hành vi chuyển nhượng thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn tới tình trạng nợ đọng vốn của nhà thầu.
Ø Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 06 tháng đến 01 năm đối với một trong các hành vi không đảm bảo công bằng; tiết lộ, tiếp nhận những tài liệu, thông tin về nhà thầu, nhà đầu tư trái quy định của pháp luật.
Ø Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 01 năm đến 05 năm đối với hành vi vi phạm việc sử dụng lao động quy định tại Khoản 8 Điều 12 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
– Đối với chế tài hình sự, sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu mà cấu thành tội phạm theo quy định pháp luật về hình sự, cụ thể là Điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo đó, các mức độ xử lý vi phạm được quy định như sau: bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm (Khoản 1); bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm (Khoản 2); bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm (Khoản 3); và người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (Khoản 4).
– Đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
3/ Rút ra những bài học gì về việc tổ chức đấu thầu?
Trả lời:
Qua sự việc trên có thể thấy công tác tổ chức đấu thầu đang vẫn có những lỗ hổng tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng.
Trước đây chúng ta chỉ chú ý đến việc giám sát tổ chức, cá nhân thực hiện thầu mà chưa tính đến việc phải giám sát cả chính cơ quan quản lý thầu.
Vụ việc trên đã cho thấy chính những người đại diện cho cơ quan có thẩm quyền lại rất dễ dàng thao túng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện những hành vi vi phạm tổ chức đấu thầu.
Rõ ràng, trong thời gian xảy ra sai phạm, bên mời thầu đã có sự “ưu ái” cho Nhật Cường khi để Nhật Cường trúng gói thầu hàng trăm tỷ đồng trong khi công ty này có nhiều những dấu hiệu không minh bạch. Chỉ đến nay khi việc vi phạm này gây ra hậu quả nghiêm trọng, những cá nhân sai phạm mới được phát hiện và xử lý.
Từ vụ việc này, đặt ra yêu cầu cần phải tăng cường hơn các biện pháp về tổ chức đấu thầu, quản lý chọn lựa việc chọn lựa đơn vị trúng thầu và công tác giám sát, kiểm tra để phát hiện kịp thời những sai phạm.
Bên cạnh đó, việc thông thầu, các công ty sân sau của quan chức trúng thầu những dự án lớn đang là một vấn nạn, việc hoàn thiện pháp luật đấu thầu chưa đủ mà quan trọng là công tác hậu kiểm, khi phát hiện những tiêu cực trong đấu thầu, cần xử lý nghiêm và cần nâng cao đạo đức của các cán bộ liên quan tới quản lý và tổ chức gói thầu.
4/ Luật Đấu thầu và các văn bản pháp luật liên quan đã quy định rõ, nhưng tại sao vẫn vi phạm? Có phải do yếu tố con người không, thưa luật sư?
Trả lời:
Các dự án có vốn đầu tư của Nhà nước hiện nay được quản lý đầu tư theo quy trình khép kín. Bộ, ban ngành, địa phương nào cũng có dự án và cũng có doanh nghiệp trực thuộc, doanh nghiệp “thân quen”.
Vì thế, việc xảy ra tiêu cực trong đấu thầu để giành dự án cho công ty thân quen là không thể tránh khỏi.
Thực trạng này khiến dư luận hết sức lo ngại về tính công bằng, minh bạch, cạnh tranh cũng như đặt những dấu hỏi lớn về “lợi ích nhóm” trong hoạt động đấu thầu
Rõ ràng, hành lang pháp lý để xử lý trách nhiệm cá nhân vi phạm trong lĩnh vực này không thiếu, vấn đề còn lại là khâu thực thi.
Để tạo môi trường cạnh tranh minh bạch trong đấu thầu, rất cần sự xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật những đối tượng vi phạm. Tránh tình trạng dù có kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng việc xử lý chỉ “rút kinh nghiệm sâu sắc” dẫn đến nhờn chế tài.
5/ Từ góc nhìn của một luật sư, theo ông, cần siết yếu tố con người trong đấu thầu như nào để chặn việc công – tư bắt tay nhau?
Trả lời:
Hiện nay, Luật Đấu thầu 2013 và các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan đi vào thực thi đã tạo ra khung khổ pháp lý khá đầy đủ về công tác đấu thầu. Bên cạnh đó, luật cũng đã có những quy định mới để tăng tính công khai minh bạch trong hoạt động đấu thầu như: thông tin về gói thầu phải đăng tải công khai trên phương tiện truyền thông và hệ thống thông tin đấu thầu quốc gia, công tác đấu thầu chuyển dần từ đấu thầu truyền thống sang đấu thầu qua mạng, …
Cục Quản lý Đấu thầu cũng đang khẩn trương xây dựng Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 07/TTLT-BKHĐT-BTC về đăng tải thông tin đấu thầu qua mạng, trong đó quy định Công khai tất cả các hồ sơ mời thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; quy định đấu thầu qua mạng 100% các gói thầu theo hạn mức quy định.
Như vậy, thông qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, toàn xã hội có cơ hội giám sát được quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong đấu thầu. Để áp dụng hiệu quả việc đấu thầu qua mạng thì chủ yếu vẫn là yếu tố con người.
Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát và kịp thời giải quyết các kiến nghị của nhà thầu chân chính. Bên cạnh đó, phải nêu cao trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo đứng đầu địa phương về tính thượng tôn pháp luật, không can thiệt bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu.