Hoạt động gửi, nhận hàng hoá qua các dịch vụ vận chuyển hành khách được quy định thế nào trong các văn bản pháp lý?

0
491

Thủ tục “nhanh gọn”, thời gian vận chuyển ngắn, giá thành rẻ, hoạt động gửi, nhận hàng hóa qua các dịch vụ vận chuyển hành khách đã đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân. Tuy nhiên thời gian qua, đã có không ít vụ xe khách vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng dễ gây cháy nổ khiến cho hình thức vận chuyển hàng hóa qua loại hình phương tiện này tiềm ẩn nhiều rủi ro..  Vậy, hoạt động gửi, nhận hàng hoá qua các dịch vụ vận chuyển hành khách được quy định thế nào trong các văn bản pháp lý? Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Luật SB Law đã có những chia sẻ trong Chuyên mục Bạn và pháp luật của kênh VOV1-Đài tiếng nói Việt Nam. Dưới đây là nội dung chi tiết: 

Câu hỏi 1: Thưa LS Nguyễn Thanh Hà, theo phản ánh của PV chương trình thì dường như việc gửi hàng hóa qua xe khách thực tế đã và đang bị nhiều đối tượng vi phạm pháp luật lợi dụng, liệu có phải các quy định liên quan đến vận chuyển hàng hóa đang quá dễ dàng?

Trả lời:

Dịch vụ kí gửi hàng hoá qua xe khách ngày càng được ưa chuộng bởi sự tiện lợi, nhanh gọn. Trên tuyến đường của xe khách, người gửi hàng hoá bưu phẩm chỉ cần đưa kiện hàng cùng thông tin liên hệ của người nhận và số tiền cước đã thoả thuận với lái xe/phụ xe là có thể vận chuyển được hàng hoá, bưu phẩm. Lái xe/phụ xe chỉ cần gọi điện trước một khoảng thời gian trước khi đến điểm hẹn trả hàng mà không cần biết bên trong kiện hàng đó là gì. Nhưng giao dịch này được thực hiện rất nhanh chóng, đơn giản, thực hiện bằng miệng, không có bất kì một biện pháp bảo đảm nào. Tuy nhiên, dịch vụ vận chuyển này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí để lại nhiều hậu quả khôn lường.

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ đối tượng lợi dụng xe khách để vận chuyển hàng quốc cấm như ma tuý, pháo nổ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng,… và vô tình, các nhà xe đã “tiếp tay” cho các hành vi phạm pháp, thậm chí có thể bị truy tố hình sự về tội vận chuyển trái phép theo quy định của pháp luật hình sự.

Đối với cơ quan chức năng, việc kiểm tra hàng hoá trên xe rất khó khăn và bất cập, nếu chỉ có cơ quan quản lý thị trường thì không đủ chức năng để dừng phương tiện và kiểm tra hàng hoá trừ khi có khẳng định có hàng hoá bất hợp pháp trên xe và có sự kết hợp của lực lượng công an.

Thực tế cho thấy, công tác quản lý dịch vụ vận chuyển hàng hoá trên xe khách còn những “lỗ hổng” đòi hỏi cơ quan chức năng siết chặt quản lý hoạt động này và Nghị đinh 47/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô có hiệu lực từ ngày 01/9/2022 đã yêu cầu người gửi hàng hoá kí gửi trên xe khách phải cung cấp 6 thông tin về tên hàng hoá, cân nặng (nếu có), họ tên, địa chỉ, số CCCD, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.

Tuy nhiên, những thông tin trên là do phía người gửi cung cấp cho các nhà xe, các nhà xe thì lại không có khả năng, chức năng xác thực lại những thông tin này nên hoàn toàn những kẻ xấu vẫn có thể lợi dụng hình thức vận chuyển này để vận chuyển những món hàng bất hợp pháp.

Câu hỏi 2: Thưa Luật sư, Nghị định số 47/2022/NĐ-CP của Chính phủ mới có hiệu lực từ ngày 1/9/2022. Trong đó có quy định về hoạt động gửi, nhận hàng hoá qua các dịch vụ vận chuyển hành khách. Nghị định mới này có điều gì giống và khác so với Nghị định cũ, thưa ông? 

Trả lời:

Ngày 19/7/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.

Nghị định bổ sung điểm đ khoản 3 Điều 11 như sau: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hoá không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hoá cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về: Tên hàng hoá, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.

Sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 13 như sau: Xe taxi phải có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất).

Nghị định bổ sung khoản 3 Điều 13 – Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô như sau: Không sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách. Không sử dụng xe ô tô kiểu dáng tương tự xe từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.

Bổ sung khoản 8 Điều 34 Đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như sau: Từ ngày 01/7/2023, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera theo quy định của Nghị định này, khi tham gia kinh doanh vận tải lần đầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu. Thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại Nghị định này.

Nghị định 47/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2022. Bãi bỏ khoản 8 và khoản 9 Điều 19 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Đồng thời, xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục được sử dụng để kinh doanh vận tải hành khách đến hết niên hạn sử dụng theo quy định tại Nghị định này.

Câu hỏi 3: Vậy, cụ thể theo quy định thì việc vận chuyển hàng hóa qua xe khách phải tuân thủ những nguyên tắc nào, thưa ông?

Trả lời:

Về công tác bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 47/2022/NĐ-CP) quy định:

Đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe khách, bến xe hàng phải xây dựng và thực hiện quy trình bảo đảm an toàn giao thông.

Đơn vị kinh doanh vận tải:

a) Sử dụng xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải phải đáp ứng các điều kiện tham gia giao thông theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 53, khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 55 của Luật giao thông đường bộ; phải có dây an toàn tại các vị trí ghế ngồi, giường nằm (trừ xe buýt nội tỉnh) và có hướng dẫn cho hành khách về an toàn giao thông và thoát hiểm khi xảy ra sự cố trên xe;

b) Không sử dụng xe ô tô khách có giường nằm hai tầng để hoạt động trên các tuyến đường cấp V và cấp VI miền núi;

c) Sử dụng lái xe kinh doanh vận tải phải có ít nhất 02 năm kinh nghiệm điều khiển xe khách có trọng tải thiết kế từ 30 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để điều khiển xe khách có giường nằm hai tầng;

d) Lập, cập nhật đầy đủ các nội dung quy định về quá trình hoạt động của phương tiện và lái xe thuộc đơn vị vào lý lịch phương tiện, lý lịch hành nghề lái xe. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2022 việc cập nhật được thực hiện qua phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của Bộ Giao thông vận tải.

đ) Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hóa cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về: Tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.

Khoản 5 Điều 26 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT quy định:  Doanh nghiệp, hợp tác xã khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô tuyến cố định (người gửi hàng không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về hàng hóa và họ tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận hàng; không được nhận hàng cấm, hàng dễ cháy, nổ, động vật sống, hàng hóa là thực phẩm bẩn.

Câu hỏi 4: Cũng theo quy định này, lái phụ xe có được nhận vận chuyển hàng hóa dọc đường không, thưa ông?

Trả lời:

Hiện nay, đã có quy định xử phạt về hành vi Để người lên, xuống xe khi xe đang chạy tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tuy nhiên chưa có quy định của pháp luật nào đối với việc nhận vận chuyển hàng hoá dọc đường. Thực tế, việc nhận chuyển hàng hoá tại bến xe khách đã khó kiểm soát về hàng hoá, thông tin giao nhận hàng hoá, việc lái phụ xe nhận hàng hoá dọc đường lại càng phức tạp hơn vì nhà xe hay lực lượng chức năng không thể kiểm tra hay quản lý được kiện hàng.

Trên các xe khách hiện nay đều có lắp đặt camera hành trình để theo dõi, quan sát và trên các tuyến đường cũng đều lắp đặt camera theo dõi do đó, lực lượng chức năng có thể dựa vào đó để phạt hành chính các xe khách với lỗi “Dừng, đỗ xe sai quy định” hoặc “đón, trả khách sai quy định” chứ cũng chưa có chế tài xử phạt cho hành vi nhận vận chuyển hàng hoá dọc đường.

Dịch vụ vận chuyển hàng hoá qua xe khách ngày càng khó quản lý 

u hỏi 5: Thưa Luật tôi thấy, phần lớn những vụ phát hiện chở hàng lậu, hàng phạm pháp gần đây là gửi hàng qua dao dịch miệng. Rất khó để quản lý loại hình ký gửi hàng hóa dạng như thế này. Vậy khi có những vi phạm pháp luật xảy ra chủ phương tiện cũng như người nhận hàng sẽ bị xử lý thế nào, theo quy định?

Trả lời:

Căn cứ Điều 8 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vận chuyển, giao nhận hàng cấm sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng tuỳ thuộc vào số lượng, giá trị và số lợi bất chính thu được từ việc vận chuyển, giao nhận hàng cấm.

Ngoài ra, đối với phía nhà xe còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện vận tải được sử dụng để vận chuyển hàng cấm.

Trong trường hợp số lượng hoặc giá trị hoặc số lợi bất chính thu được từ việc vận chuyển hàng phạm pháp thoả mãn điều 191 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội tang trữ, vận chuyển hàng cấm thì phía nhà xe sẽ bị truy tố hình sự.

Đối với hàng lậu, về xử phạt hành chính, theo Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, người kinh doanh, cố ý vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng hóa nhập lậu thì tùy mức độ vi phạm mà có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vận tải vi phạm; buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Nghiêm trọng hơn, người đó có thể bị xử lý hình sự theo Điều 188 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Câu hỏi 6: Thưa luật sư, có quy định nào về việc lực lượng nào là lực lượng được phép kiểm tra hàng hóa trong quá trình vận chuyển?  Và nếu xảy ra tai phạm thì trách nhiệm thuộc về ai?

Trả lời:

Việc xử lý đối với hành vi kinh doanh, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại là thuộc về thẩm quyền quản lý của cơ quan quản lý thị trường trong đó có sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền khác. Điều 7 Pháp lệnh quản lý thị trường năm 2016 quy định:

“Điều 7. Vị trí, chức năng của lực lượng Quản lý thị trường

Lực lượng Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.”

Đồng thời, theo Chỉ thị 21/1998/CT-TTg  của Thủ tướng Chính phủ về việc chấm dứt việc tùy tiện dừng xe để kiểm tra, kiểm soát thì có quy định như sau:

“4. Lực lượng quản lý thị trường, thuế vụ, hải quan khi phát hiện phương tiện giao thông có chở hàng lậu thì trực tiếp liên hệ với cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ nơi gần nhất để cảnh sát giao thông dừng phương tiện cho các lực lượng đó kiểm tra, kiểm soát và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu dừng phương tiện giao thông”.

Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Chỉ thị 21/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu trên, thì khi phát hiện phương tiện giao thông có hàng lậu thì cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, thuế vụ, hải quan thực hiện việc dừng phương tiện và kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên xe. 

Câu hỏi 7: Theo ông thì dịch vụ vận chuyển hàng hóa qua xe khách đang tồn tại những lỗ hổng nào trong công tác quản lý. Những quy định trong Nghị định 47 đã góp phần khắc phục những lỗ hổng này ra sao?

Trả lời:

Lỗ hổng trong quản lý hàng hoá ký gửi trên xe khách đã và đang là thực tế đáng báo động. Hiện nay, đã có quy định về việc cấm vận chuyển hàng cháy, hàng nguy hiểm và hàng cấm trên xe khách. Tuy nhiên, do kiểm soát của các doanh nghiệp vận tải chưa được chặt chẽ cho nên vẫn còn có những đối tượng lợi dụng để vận chuyển những hàng không đúng quy định trên xe khách. Đồng thời, công tác quản lý đối với dịch vụ vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm qua xe khách đang bị bỏ ngỏ.

Nghị định số 47/2022/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 01/9/2022, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó có quy định Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hóa cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về: Tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận”.

Việc cung cấp đầy đủ thông tin người gửi cũng như người nhận không chỉ có ý nghĩa đảm bảo an toàn, trách nhiệm cho các bên tham gia trong quá trình gửi – nhận hàng hóa, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quản lý, truy xét đường đi của hàng hóa khi có vấn đề pháp lý. Đồng thời, ngăn chặn được việc tội phạm lợi dụng sự lỏng lẻo của hình thức gửi hàng hóa bằng xe khách để vận chuyển, buôn bán hàng quốc cấm.

Câu hỏi 8: Theo ông, thời gian tới, cần phải hoàn thiện thêm những quy định gì nhằm quản lý chặt chẽ hơn việc gửi, nhận hàng hóa qua phương tiện vận tải khách? 

Trả lời:

Quy định mới có những mặt tích cực và những điểm hạn chế. Quy định này sẽ khiến nhiều người không thích vì sợ bị lộ thông tin cá nhân, nhiều người còn cho rằng như vậy là gây phiền hà cho các bên.

Do đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần quy định các biện pháp siết chặt bảo mật thông tin cá nhân cho khách hàng, tránh trường hợp làm lộ, lọt thông tin của khách hàng.

Khi nhận hàng hóa gửi theo xe tuyến cố định, doanh nghiệp phải yêu cầu người gửi cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin của hàng hóa, người gửi, người nhận. Chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm khi có vi phạm các quy định về sắp xếp hàng hóa, hành lý trên xe khách. Cùng với đó cần có thêm các quy định giải thích và hướng dẫn thêm cho doanh nghiệp trong vấn đề xác minh được các thông tin do khách hàng cung cấp,tránh tình trạng gây khó khăn ,khó áp dụng quy định này cho doanh nghiệp vận tải trong thực tế.