Hướng dẫn xử lý tài sản bảo đảm của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán đối với các chủ nợ có bảo đảm

0
522

Ngày 19/7/2017, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 152/TANDTC-PC hướng dẫn giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu để kịp thời hướng dẫn Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Một nội dung quan trọng trong Công văn này là hướng dẫn xử lý tài sản bảo đảm của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản đối với các chủ nợ có bảo đảm (Điều 41 và Điều 53 Luật Phá sản 2014).

Theo đó, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân có thẩm quyền thụ lý vụ việc phá sản, các Tòa án nhân dân phải:

  • Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động có liên quan đến nghĩa vụ tài sản mà doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là một bên đương sự.
  • Tách và tạm đình chỉ giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự, hành chính liên quan đến nghĩa vụ tài sản mà doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là một bên đương sự.
  • Tạm đình chỉ việc xử lý tài sản bản đảm của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán đối với các chủ nợ có bảo đảm.

Trường hợp sau khi mở thủ tục phá sản, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đề xuất Thẩm phán về việc xử lý khoản nợ có bảo đảm đã được tạm đình chỉ theo quy định tại khoản 3 Điều 41 của Luật Phá sản năm 2014, Thẩm phán xem xét và xử lý cụ thể như sau:

  • Trường hợp tài sản bảo đảm được sử dụng để thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh thì việc xử lý đối với tài sản bảo đảm theo Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ.
  • Trường hợp không thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh hoặc tài sản bảo đảm không cần thiết cho việc thực hiện phục hồi kinh doanh thì xử lý theo thời hạn quy định trong hợp đồng đối với hợp đồng có bảo đảm đã hết hạn.

Trường hợp tài sản bảo đảm có nguy cơ bị phá hủy hoặc bị giảm đáng kể về giá trị thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đề nghị Thẩm phán cho xử lý ngay tài sản bảo đảm đó theo quy định tại khoản 3 Điều 53 Luật Phá sản năm 2014.

Ngoài ra, Công văn còn hướng dẫn một số nội dung sau:

  • Về xác định chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất;
  • Về đại diện;
  • Về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ;
  • Về chuyển giao quyền yêu cầu;
  • Về giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực;
  • Về kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng;
  • Về thời hiệu khởi kiện;
  • Về khởi kiện và thụ lý vụ án.