Khách hàng bị “ép” mua bảo hiểm khi vay vốn, Cần giải quyết như thế nào?

0
669

      Thực tế, hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng thời gian qua đã phát triển nhanh chóng và có đóng góp nhất định vào tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam (khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ). Tuy vậy, việc phát triển nhanh dẫn đến phát sinh một số bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng.

Hiện tượng một số nhân viên ngân hàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc việc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay. Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

      Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm. Điều này nhằm bảo đảm việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng. Việc khách hàng khi đến vay vốn tại ngân hàng bị ép mua bảo hiểm mới được giải ngân và việc giao kết này trái với ý muốn của Khách hàng thì cần phải xử lý nghiêm. Nếu có bằng chứng việc các ngân hàng “ép” mua bảo hiểm, khách hàng gửi đơn kèm bằng chứng tới Ngân hàng Nhà nước để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

      Theo Khoản 5 Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã nghiêm cấm hành vi đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm; Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định không tổ chức, cá nhân nào được phép can thiệp trái pháp luật đến quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài của bên mua bảo hiểm; Khoản 3 Điều 38 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoàikhông được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

      Mức xử phạt đối với hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn tại điểm đ, khoản 2, Điều 17 Nghị định số 98/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định số 48/2018/NĐ-CP). Theo đó, nếu có hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm thì đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn có thể bị đình chỉ hoạt động từ 2 – 3 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động.

      Do đó, chúng ta có thể thấy rằng, việc ép khách hàng phải mua bảo hiểm khi vay tiền tại ngân hàng là hành vi vi phạm pháp luật điều này trái với mong muốn và trái với nguyên tắc “tự nguyện” trong bảo hiểm nhân thọ. Nếu có đầy đủ bằng chứng chứng minh hành vi cưỡng ép, lừa dối của nhân viên ngân hàng đối với khách hàng thì khách hàng hoàn toàn có thể yêu cầu Toà án tuyên hợp đồng này vô hiệu theo quy định tại Điều 25 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.

     Bên cạnh đó, Điều 35 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 01 năm, trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm. Trường hợp bên mua bảo hiểm từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm sẽ bị hủy bỏ, bên mua bảo hiểm được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Như vậy, theo quy định trên, trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, nếu bên mua bảo hiểm thực hiện hủy hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm sẽ được hoàn trả lại số tiền phí đã đóng.

       Hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng cụ thể:

– Số cố định: (024) 3936.1017

– Số di động: 0942.966.854

– Email: duongdaynong.cqttgsnh@sbv.gov.vn

       Từ thông tin phản ánh, bộ này sẽ kịp thời kiểm tra xác minh, có biện pháp thanh tra và phối hợp với cơ quan công an, cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.  Đối với những trường hợp mặc dù biết mình bị ép nhưng vì ở bên yếu thế khi tham gia trong quan hệ giao dịch với ngân hàng nên vẫn chấp nhận ký tên vào hợp đồng bảo hiểm. Sau khi vay được tiền để giải quyết công việc cấp bách rồi muốn quay ra đòi lại tiền của mình là một điều hết sức khó khăn. Bởi khi kiện ngân hàng thì rất khó để xác định rạch ròi thế nào là sai hoặc đúng, lại không có bằng chứng chứng minh mình bị ép buộc như: ghi âm, video, … trong quá trình tư vấn kèm theo chữ ký của mình trên hợp đồng khiến cho việc đòi lại tiền là không mấy khả thi. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của mình, người dân khi gặp những trường hợp như trên cũng cần trực tiếp báo ngay cho cơ quan chức năng để Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động bán bảo hiểm ở các ngân hàng có hành vi trên. Bên cạnh đó, khi có bằng chứng chứng minh mình bị ép buộc,lừa dối, khách hàng có đầy đủ bằng chứng có thể khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi ngân hàng đặt chi nhánh, hoặc tại trụ sở chính của ngân hàng đó để được xử lý và giải quyết theo quy định pháp luật.