Khái niệm doanh nghiệp spin- off trong trường đại học

0
791

Theo en.wikipedia.org/wiki (A spin-off (or spinoff) – là “một tổ chức mới hay thực thể được hình thành bởi một sự tách ra từ một tổ chức lớn hơn”. Ví dụ như: một công ty mới được hình thành từ một nhóm nghiên cứu  trong trường đại học.

 Theo ETH Zurich Thụy sĩ: Một doanh nghiệp spin-off  của ETH là “một doanh nghiệp mới được thành lập dựa trên kết quả nghiên cứu cuả ETH do các cán bộ của ETH hoặc học viên của ETH tham gia”.

 Theo khái niệm của Đại học Alberta (Canada): “Một công ty spin-off của Đại học Alberta là một doanh nghiệp mà hoạt động SXKD của nó chủ yếu khởi nguồn từ sự ứng dụng hoặc sử dụng một công nghệ và/hoặc một Know-how do một chương trình nghiên cứu của Đại học Alberta đã hoặc đang phát triển ra. Doanh nghiệp mới này được lập ra nhằm  (1) chuyển giao một bản quyền sáng chế; (2) để tài trợ nghiên cứu phát triển tiếp một công nghệ hoặc sáng chế mà công ty sẽ chuyển giao, hoặc (3) để cung cấp một dịch vụ sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của Đại học tạo ra”

 Theo Robert và Malone (1996), “spin-off được thành lập do 4 nhóm tác nhân: (1) Người tạo ra công nghệ (technology originator): người hoặc tổ chức tạo ra công nghệ từ công đoạn nghiên cứu cơ bản đến triển khai thực nghiệm và có thể chuyển giao công nghệ; (2)Tổ chức mẹ (Parent organization): Tổ chức NC&TK có vai trò hỗ trợ hoặc ngăn cản quá trình thành lập bằng cách kiểm soát quyền SHTT; (3)Nhà nghiên cứu hoặc một nhóm nghiên cứu có tinh thần kinh thương (the entrepreneur or entrepreneurial team): người sử dụng công nghệ do tổ chức mẹ tạo nên và có ý định thành lập doanh nghiệp mới dựa trên công nghệ đó; (4)Nhà đầu tư mạo hiểm (the venture investor): cung cấp tài trợ cho việc thành lập doanh nghiệp mới và đổi lại được cổ phần trong doanh nghiệp”.

 Theo tác giả Vũ Cao Đàm, doanh nghiệp KH&CN, tức xí nghiệp spin-off là đơn vị có chức năng làm triển khai, có thể bắt đầu từ giai đoạn chế tác vật mẫu, làm pilot, ươm tạo, và cuối cùng là “sản xuất” ra các công nghệ và bán (chuyển giao) các công nghệ đó cho các xí nghiệp công nghiệp.

 Xem xét theo quá trình hình thành doanh nghiệp, một ý kiến khác lại cho rằng, “trường hợp các nhà khoa học lập ra doanh nghiệp để triển khai ý tưởng khoa học vào sản xuất – gọi là doanh nghiệp spin-off, kinh doanh phải dựa trên kết quả nghiên cứu; cụ thể: kết quả nghiên cứu tạo nên ý tưởng kinh doanh, ý tưởng kinh doanh tạo nên dự án đầu tư, dự án đầu tư là cơ sở thành lập doanh nghiệp. Doanh nghiệp spin-off chỉ tồn tại một thời gian rồi chuyển thành doanh nghiệp thông thường” .

 Có rất là nhiều cách định nghĩa, khái niệm khác nhau về spin- off, chưa có một khái niệm nào chung cho toàn bộ thế giới cũng như ở nước ta thống nhất lấy một định nghĩa khác nhau. Mỗi định nghĩa đều có cái đúng của nó, bởi vậy ta có thể khái quát bản chất của doanh nghiệp thể hiện ở một số điểm như:

 Được thành lập trên cơ sở một nhóm các nhà khoa học có tinh thần kinh thương nắm giữ một hoặc một số bí quyết công nghệ.

 Sau quá trình tích lũy trong hệ thống mẹ, gặp một số điều kiện thuận lợi(được đầu tư về vốn, cơ chế chính sách, …)  thì tách ra hoạt động độc lập.

 Sản xuất kinh doanh dựa trên các sản phẩm công nghệ cao hoặc công nghệ mới, hoặc công nghệ vừa cao vừa mới và các sản phẩm (hàng loạt với quy mô công nghiệp) do chính công nghệ đó tạo ra và các sản phẩm đơn lẻ hoặc lô nhỏ (quy mô bán công nghiệp) có trình độ cao và mới.

 Tuy nhiên ta nhận thấy rằng cần phải phân biệt doanh nghiệp spin- off khác như thế nào đối với doanh nghiệp KH&CN. Không ít người đã nhầm lẫn về vấn đề này, về bản chất thì hai hình thức doanh nghiệp này là rất khác nhau:

 Nếu định nghĩa theo luật doanh nghiệp 2005: “doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh”.

 Theo Nghị định 80/2007/NĐ-CP, “doanh nghiệp KH&CN thuộc đối tượng áp dụng là: Tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và có nhu cầu thành lập doanh nghiệp KH&CN. Trong đối tượng nêu trên, các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và tổ chức dịch vụ KH&CN công lập thực hiện việc chuyển đổi tổ chức, hoạt động để thành lập doanh nghiệp KH&CN được gọi chung là tổ chức KH&CN công lập”.

 Theo quyết định 68/1998/QĐ-TTg “cho phép thành lập doanh nghiệp nhà nước trong một số trường đại học, cao đẳng công lập (gọi tắt là cơ sở đào tạo), viện nghiên cứu khoa học, trung tâm khoa học công nghệ, liên hiệp khoa học – sản xuất nhà nước (gọi tắt là cơ sở nghiên cứu) thuộc mình quản lý, để hoạt động SXKD các sản phẩm là kết quả nghiên cứu, triển khai công nghệ hoặc các sản phẩm, dịch vụ khoa học công nghệ gắn với chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của chính cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu đó”.

 Hoạt động chính của doanh nghiệp KH&CN là thực hiện sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm hàng hoá hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Ngoài các hoạt động này, doanh nghiệp KH&CN có thể thực hiện sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm hàng hoá khác và thực hiện các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.