Khi bị áp đặt những hàng rào kỹ thuật người nuôi tôm phải xử lý thế nào?

0
423

Tự do hóa thương mại là xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, trong khi các rào cản thuế quan đã được giảm đáng kể theo lộ trình cắt giảm thuế của các nước thì các rào cản phi thuế quan, đặc biệt các rào cản mang tính kỹ thuật vẫn tồn tại, thậm chí phát triển dưới nhiều hình thức phức tạp hơn. Chính vì thế việc xuất khẩu thủy sản của chúng ta, trong đó có tôm gặp không ít khó khăn. Vậy làm thế nào để người nuôi tôm vượt qua “cửa ải” này? Đó là nội dung cuộc trao đổi của Trang trại Việt với luật sư Nguyễn Thanh Hà (chủ tịch Công ty Luật SBLAW). Theo luật sư Hà:

Để vượt qua hàng rào kỹ thuật đối với xuất khẩu thủy sản, trước hết người nuôi trồng phải hiểu thế nào là rào cản kỹ thuật đối với thương mại; rào cản đó gồm những thành tố nào? Theo định nghĩa của WTO: “các biện pháp kỹ thuật là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà một nước áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu và/hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp của hàng hoá nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó”.

Mục đích lập ra rào cản kỹ thuật đối với thương mại nhằm bảo vệ những lợi ích quan trọng như sức khoẻ con người, môi trường, an ninh…, các nước đều thiết lập và duy trì một hệ thống các biện pháp kỹ thuật riêng đối với hàng hoá của mình và hàng hoá nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều nước lại có xu hướng lạm dụng các biện pháp kỹ thuật này nhằm mục tiêu hạn chế hàng hóa nhập khẩu, bảo hộ cho sản xuất trong nước. Do đó các biện pháp kỹ thuật này còn được gọi với cái tên “ các rào cản kỹ thuật đối với thương mại.”

Xu hướng chung trong việc sử dụng các rào cản thương mại đối với hàng thủy sản để bảo hộ sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu trên thế giới là chuyển từ các biện pháp hạn chế số lượng sang các biện pháp tinh vi hơn như: Chống phá giá, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, các quy định về xuất xứ, nhãn hiệu, môi trường, lao động... Các loại rào cản phi thuế quan đối với hàng thủy sản Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu là rào cản về an toàn thực phẩm và an toàn bệnh dịch động thực vật (SPS), rào cản kỹ thuật (TBT) và rào cản chống bán phá giá…

Cụ thể, đối với xuất khẩu tôm thì rào cản kỹ thuật đó là gì, thưa luật sư?

Ở mỗi thị trường khác nhau , mỗi nước nước khác nhau thì các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu và/hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp của hàng hoá nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng khác nhau. Nhưng nhìn chung rào cản thương mại đối với nhập khâu thủy sản được chia thành 3 nhóm chính, đó là:

– Các quy định về dịch tễ vệ sinh an toàn: Các quy định này được đưa ra để bảo vệ sức khỏe của người, vật nuôi và cây trồng – Các biện pháp đối với người tiêu dùng: Các biện pháp quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm bao gồm nhãn mác, đóng gói, thuốc trừ sâu, hàm lượng dinh dưỡng và tạp chất.

– Các biện pháp thương mại: Các biện pháp được thực hiện nhằm ngăn chặn gian lận thương mại bao gồm các chứng từ vận chuyển và tài chính, các tiêu chuẩn nhận dạng và các tiêu chuẩn đo lường.

Ví dụ: Rào cản kỹ thuật đối với tôm nhập khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ phải đáp ứng các yêu cầu sau;

  • Quy định về an toàn thực phẩm: Bộ luật liên bang Mỹ CFR quy định chỉ có doanh nghiệp nước ngoài nào đã thực hiện HACCP (Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn) mới được xuất khẩu vào thị trường Mỹ. HACCP nhấn mạnh vai trò của nhà sản xuất thường xuyên ngăn ngừa và xử lý kịp thời những mối nguy có thể xâm nhập vào sản phẩm từ khâu nguyên liệu tới sản phẩm cuối cùng. Yêu cầu phải kiểm soát dây chuyền công nghệ sản xuất trong suốt quá trình để đảm bảo an toàn vệ sinh. Ở Mỹ hiện có 6 loại kháng sinh được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, các loại kháng sinh khác đều bị cấm….
  • Quy định về kiểm dịch
  • Quy định về nhãn mác: Nhãn hiệu hàng hóa phải đăng ký tại Cụ hải quan Mỹ (cơ quan nhãn hiệu và sáng chế hoa kỳ – USPTO); cấm nhập khẩu sản phẩm làm nhái theo thương hiệu đã được đăng ký tại Mỹ; phải có thông tin về dinh dưỡng…
  • Tiêu chuẩn về thực phẩm: Tôm nhập khẩu phải đảm bảo tiêu chuẩn như sản phẩm nội địa; không có độc tố, an toàn sử dụng và được sản xuất trong điều kiện vệ sinh…
  • Phải đăng ký cơ sở sản xuất theo Luật chống khủng bố sinh học
  • Phải đăng ký thông tin với Cục quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ theo quy định của Luật hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hoặc quy định của EU về dư lượng Ethoxyquin (ETQ) trong tôm nhập khẩu, hay thủy sản nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật Trifluraline và dư lượng kháng sinh nhóm Quinolone. Nếu dự lượng ETQ vượt mức giới hạn cho phép, cảnh báo sẽ xem xét áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn với tôm, kể cả việc tạm đình chỉ nhập khẩu.

Vậy người nuôi tôm làm thế nào để vượt qua hàng rào kỹ thuật để có thể đẩy mạnh việc xuất khảu tôm vào thị trường nước ngoài.

Khi xuất khẩu tôm vào thị trường nào cần phải nghiên cứu kỹ rào cản thương mại của thị trường đó. Trên có sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật…của thị trường đó người nuôi tôm phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi phù hợp để đáp ứng với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà thị trường đó đưa ra. Việc này người nôi tôm khó có thể làm được, do đó cần phải có sự tư vấn, hướng dẫn của các chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu và chăn nuôi thủy sản. Hơn nữa bản thân người nuôi tôm nếu tự mình xuất khẩu thì cũng gặp khó khăn, do đó cần phải có doanh nghiệp xuất khẩu đồng hành và có sự hỗ trợ của các Hiệp hội ngành nghề.

Người nuôi tôm chỉ là một khâu trong quá trình xuất khẩu tôm, hay nói các khác chỉ có thể thực hiện được một khâu để vượt qua rào cản kỹ thuật (nhưng đó là khâu rất quan trọng. Muốn con tôm được nước ngoài chấp nhận nhập khẩu, trước tiên quá trình nuôi tôm phải đảm bảo vệ sinh, an toàn; không được sử dụng kháng sinh cấm sử dụng hoặc sử dụng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép; nguồn nước nuôi tôm cũng phải đạt yêu cầu vệ sinh…). Người nuôi tôm cần nắm được những vấn đề căn bản nhất về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với tôm của nước nhập khẩu. Những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó phải được “giải mã” theo cách dễ hiểu nhất. Trên cơ sở đó các chuyên gia chăn nuôi thủy sản phổ biến, huấn luyện kỹ năng cũng như đặt ra các yêu cầu về giống, nguồn nước, sử dụng kháng sinh… cho phù hợp, đạt chuẩn theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó người chăn nuôi cũng cần thực hiện quy trình kỹ thuật một cách nghiêm ngặt đồng thời tự hỏi hỏi để nâng cao kỹ năng chăn nuôi cho mình. Trên hết để đảm bảo người nuôi đứng vững trên con đường xuất khẩu cần tổ chức lại việc sản xuất tôm theo hướng sản xuất công nghệ cao.

Cảm ơn luật sư!

Lê Chiên (thực hiện)