Hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc xuyên tạc lịch sử, khách du lịch Trung Quốc bắt nạt cả người Việt, các doanh nghiệp du lịch Trung Quốc thì thao túng cả doanh nghiệp du lịch Việt Nam… Đó là những lý do khiến cho hoạt động đón khách Trung Quốc vào Việt Nam trở thành một “điểm nóng” của ngành du lịch. Chúng ta không đóng cửa với khách du lịch trung quốc, song Trước thực tế này, ngành du lịch cần chấn chỉnh hoạt động đón khách Trung Quốc – vốn đang có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, đáng lo ngại.
Lữ hành: Bán danh trục lợi và những thỏa thuận ngầm
Vụ việc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Silent Bay (trụ sở đặt tại Nha Trang, Khánh Hòa) bị rút giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế sau hàng loạt những sai phạm trong đón khách du lịch Trung Quốc khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Theo lá đơn “cầu cứu” mà Phó Tổng giám đốc của Công ty Chengdu, Trung Quốc – “đối tác” của Silent Bay gửi đến một số cơ quan chức năng của Việt Nam, trong 1 năm, công ty này phải trả cho Silent Bay 500.000 USD để đảm bảo các thủ tục tạm trú hợp pháp và an toàn ở Nha Trang cho các nhân viên của Công ty Chengdu.
Đó là chưa kể đến việc Silent Bay bị tố đã đòi một khoản tiền “lót tay” không nhỏ để bảo kê cho công ty Trung Quốc được làm ăn tại Việt Nam. Theo bản báo cáo của Silent Bay gửi lên Tổng cục Du lịch thì chỉ sau 3 tháng hoạt động, công ty này đã đón được 6.000 khách Trung Quốc, tức là trung bình mỗi tháng đón 2.000 khách, tương đương với khoảng 70 đoàn khách/tháng. Với một lượng khách lên đến hàng nghìn người như vậy nhưng công ty chỉ có vỏn vẹn 4 hướng dẫn viên quốc tế trong biên chế. Tuy nhiên, trên thực tế công ty này đã bảo lãnh cho 64 người Trung Quốc nhập cảnh và làm việc mà không có hợp đồng, và đương nhiên, toàn bộ đều là lao động bất hợp pháp.
Cùng với sự việc của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Silent Bay, mới đây, Sở Du lịch Đà Nẵng đã quyết định xử phạt hành chính 20 triệu đồng và tước giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trong 24 tháng đối với Công ty TNHH MTV Thương mại và Du lịch Landscape. Nguyên do là công ty này đã có hành vi cho các doanh nghiệp, đối tác mượn danh làm ăn trái pháp luật tại Việt Nam. Thông qua những vụ việc này có thể thấy rõ không ít doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia vào những phi vụ thỏa thuận “ngầm” với các đối tác Trung Quốc, để hợp thức hóa việc đưa khách Trung Quốc vào Việt Nam. Và khi đã thỏa thuận trót lọt thì các công ty này lại bày ra vô số cách để thu tiền từ du khách.
Loạn hướng dẫn viên “chui” và tour “tù”
Nạn hướng dẫn viên “chui” là một trong những vấn đề nhức nhối được phản ánh tại nhiều điểm du lịch Việt Nam. Không chỉ hành nghề bất hợp pháp, hướng dẫn viên “chui” còn nảy sinh ra những hình thức làm ăn du lịch biến tướng, “chộp giật”, kéo tuột chất lượng dịch vụ và bôi xấu hình ảnh của du lịch Việt Nam. Biểu hiện cho tình trạng này là nhiều hướng dẫn viên người Trung Quốc đã “moi tiền” triệt để của du khách bằng cách đưa họ đến những nhà hàng, cửa tiệm… đã móc nối trước để khách phải ăn uống, mua những sản phẩm đồ dùng, may mặc… với giá trên trời. Theo ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty lữ hành
Hanoitourist, hiện nay đang xuất hiện một loại tour được gọi là “tour tù”. Bản chất của tour này chính là một dạng tour siêu rẻ hay “tour 0 đồng”, du khách vì ham rẻ nên đăng ký, nhưng khi đi du lịch mới “ngã ngửa” vì chất lượng… chẳng ra gì. Du khách được đưa vào một hành trình khép kín, trong đó các dịch vụ từ nhà hàng, khách sạn, điểm mua sắm… đều nằm trong đường dây của công ty du lịch. Khách buộc phải chi tiền cho tất cả các dịch vụ này, nếu từ chối thì sẽ không được phục vụ, hoặc nghiêm trọng hơn là bị đối xử tệ bạc.
Ông Lưu Đức Kế cho biết, loại hình tour này tạo điều kiện cho hướng dẫn viên “chăn dắt” khách, tức là buộc hướng dẫn viên phải nộp đủ một số tiền nhất định trên một đầu khách cho công ty để đảm bảo doanh thu. Bởi vậy, hướng dẫn viên thông đồng với nhà hàng, khách sạn… cắt xén lịch trình, ăn chặn khẩu phần ăn, chế độ nghỉ dưỡng… của khách để thu lời.
Bên cạnh nỗi lo về chất lượng dịch vụ, nghiêm trọng hơn tình trạng hướng dẫn viên Trung Quốc hoạt động “chui” nói sai sự thật, xuyên tạc về văn hóa, lịch sử Việt Nam cũng là vấn đề hết sức “nóng” đối với ngành Du lịch. Trong cuộc họp báo mới đây nhất về vấn đề này, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, ngay khi có thông tin và clip hướng dẫn viên hành nghề trái phép, nói không đúng về lịch sử, văn hóa Việt Nam, Tổng cục Du lịch đã có văn bản gửi Sở Du lịch Đà Nẵng đề nghị làm rõ.
Quan điểm của Tổng cục Du lịch là phải kiên quyết, không chỉ xử lý ngay đối tượng đang hành nghề mà còn phải thông báo về cơ quan quản lý du lịch của Trung Quốc. Ông Nguyễn Quý Phương cho biết, vấn đề này cũng đã được Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đưa ra trong cuộc gặp mặt với Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc. Khi đó, đại diện ngành du lịch Trung Quốc cũng đã đề nghị phía Việt Nam thông báo để đưa những hướng dẫn viên này vào danh sách “đen” xử lý, thậm chí là trục xuất ngay khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Không để Doanh nghiệp Trung Quốc thao túng du lịch Việt
Theo lý giải của ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, nguyên nhân của hiện tượng tiêu cực trong việc đón khách Trung Quốc tại Đà Nẵng, Nha Trang… và một số địa phương khác trong thời gian qua, một phần là do sự gia tăng đột biến của thị trường khách Trung Quốc. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, khách du lịch Trung Quốc đến Đà Nẵng đạt hơn 211.000 người, tăng 83% so với cùng kỳ 2015.
Tại Nha Trang, Khánh Hòa, tính đến tháng 6-2016 cũng đón hơn 200.000 lượt khách Trung Quốc, tăng đến 4,5 lần so với năm ngoái và chiếm tỉ trọng 40% so với tổng lượng khách. Với lượng khách gia tăng quá nhanh như vậy, đương nhiên sẽ dẫn đến sự chuẩn bị về lực lượng hướng dẫn viên cũng như khả năng cung ứng dịch vụ không theo kịp tình hình thực tế. Mặt khác, cũng theo ông Nguyễn Văn Tuấn thì các doanh nghiệp Trung Quốc thường xuyên thao túng và can thiệp sâu vào các hoạt động du lịch khi đưa khách Trung Quốc đến các điểm du lịch. Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng đã gặp phải tình trạng này. Theo người đứng đầu của ngành du lịch, một nguyên nhân quan trọng khác cũng gây ra tình trạng nhiễu loạn trong hoạt động du lịch đó là công tác quản lý, kiểm tra xử lý vẫn còn nhiều lỗ hổng, tồn tại rất nhiều bất cập.
Trong thời gian qua, Bộ VH-TT&DL cùng Tổng cục Du lịch đã trực tiếp vào cuộc, đồng thời đưa ra rất nhiều văn bản chỉ đạo đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động đón khách Trung Quốc. Động thái cụ thể nhất đó là trục xuất và cấm nhập cảnh đối với các trường hợp lợi dụng du lịch vào Việt Nam lao động bất hợp pháp hoặc hoạt động hướng dẫn trái phép. Cùng với đó là các trường hợp du khách có hành động thiếu văn hóa, thậm chí là gây rối, cụ thể là 1 du khách đốt tiền Việt Nam ở Đà Nẵng đã bị xử lý mạnh tay.
Một loạt trường hợp hướng dẫn viên “chui”, lao động “chui” ở Đà Nẵng cũng bị xử phạt hành chính đích đáng. Tuy nhiên, đứng trên góc độ doanh nghiệp và nhà quản lý, thì vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn. Tại sao một công ty du lịch lớn như Silent Bay có thể tiếp tay cho công ty Trung Quốc đưa một lượng khách lớn đến Việt Nam. Mặc dù thừa biết nguồn nhân lực, khả năng cung ứng dịch vụ còn rất yếu kém nhưng họ cũng như nhiều doanh nghiệp đang sẵn sàng đón khách bằng mọi giá.
Và một điều mà dư luận còn đặt câu hỏi, đó là tại sao đến thời điểm này, sau một lá đơn của doanh nghiệp Trung Quốc, chúng ta mới phát hiện ra những sai phạm? Có phải chúng ta dễ dãi, buông lỏng trong quản lý một thời gian quá dài hay vì lý do nào khác? Thêm một vấn đề khác, đó là vai trò của các Hiệp hội Du lịch, các tổ chức nghề nghiệp ở đâu khi doanh nghiệp Trung Quốc “làm giá” với chính doanh nghiệp Việt, đẩy giá tour xuống kịch sàn để cạnh tranh, rồi ăn chia trên lợi nhuận kiếm được từ việc “chặt chém” du khách? Rất nhiều câu hỏi đang cần được ngành Du lịch cũng như các ngành hữu quan giải đáp, để hoạt động đón khách du lịch, Trung Quốc được minh bạch và thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.
Xét cho cùng, mở cửa đón khách du lịch là xu hướng chung của tất cả các quốc gia trên thế giới. Chúng ta không thể và không nên nói không với bất kỳ thị trường khách nào chỉ vì lý do không thể quản lý được. Vì mục tiêu chung là lợi ích phát triển du lịch Việt Nam, Việt Nam luôn mở cửa chào đón các du khách, nhưng vấn đề đặt ra là phải quản lý như thế nào để không xảy ra những bức xúc như trong thời gian vừa qua và không để các doanh nghiệp Trung Quốc thao túng, làm tiền, “làm giá”, ăn chia lợi nhuận trên lãnh thổ Việt Nam.
Không thể nhân nhượng với những sai phạm
Điều 73, Luật Du lịch năm 2005 về điều kiện hành nghề, tiêu chuẩn cấp thẻ hướng dẫn viên nêu rõ: Chỉ những người có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mới được cấp thẻ hướng dẫn viên nội địa hay hướng dẫn viên quốc tế. Do vậy, người nước ngoài không thể làm hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam.
Trong khi Đảng và Nhà nước ta đang đấu tranh quyết liệt để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thì một số cá nhân là hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc lại vào Việt Nam xuyên tạc lịch sử, chủ quyền của Việt Nam một cách công khai. Điều này là không thể chấp nhận được. Qua sự việc này, cơ quan chức năng cần nhanh chóng rà soát lại toàn bộ các văn bản luật pháp về lĩnh vực du lịch, đặc biệt là vấn đề hướng dẫn viên du lịch, nhằm chuẩn bị cơ sở pháp lý đầy đủ để đảm bảo công tác xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Bên cạnh đó phải kiểm tra số lượng người nước ngoài thực hiện hướng dẫn du lịch “chui” ở Việt Nam. Với những trường hợp vi phạm pháp luật về cư trú phải tiến hành trục xuất ngay.
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã ban hành các chính sách để kích cầu du lịch, luôn sẵn sàng chào đón du khách nước ngoài tới Việt Nam. Song, chúng ta không thể nhân nhượng với những cá nhân hành nghề bất hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Thành Trung (Đoàn Luật sư Hà Nội)
Siết chặt quản lý các doanh nghiệp lữ hành
Có thể nói, nguyên nhân dẫn đến tình trạng khách du lịch Trung Quốc có những vi phạm tại Việt Nam là do công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý còn nhiều bất cập. Để giải quyết triệt để tình trạng này, trước hết chúng ta phải làm tốt công tác kiểm soát việc xuất, nhập cảnh của người nước ngoài. Bên cạnh đó, cần siết chặt việc quản lý các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam. Những đơn vị lữ hành khi nhận khách là người Trung Quốc phải có trách nhiệm quản lý chặt chẽ khách theo tour. Nếu để xảy ra vi phạm trong tour nào thì đơn vị lữ hành quản lý tour đó phải chịu trách nhiệm. Còn đối với các hướng dẫn viên du lịch “chui’, khi phát hiện sai phạm cần xử lý ngay.
Về biện pháp xử lý hành chính, Điều 44 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP đã quy định: Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với với người nước ngoài thực hiện việc hướng dẫn du lịch ở Việt Nam. Cũng theo Nghị định này, Công ty kinh doanh lữ hành sử dụng người nước ngoài làm hướng dẫn du lịch tại Việt Nam sẽ bị xử phạt hành chính từ 10-15 triệu đồng.
Còn theo Nghị định 11/2016/NĐ-CP ban hành 3-2-2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại Nghị định này sẽ bị trục xuất. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phải đề nghị cơ quan công an trục xuất đối với trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động.
Luật sư Nguyễn Thị Thu (Đoàn Luật sư Hà Nội)
Có quy định nhưng chưa làm mạnh tay
Không riêng Việt Nam mà Nhật Bản, Hàn Quốc cũng rất “đau đầu” về tình trạng tiếp tay đón khách Trung Quốc. Chẳng hạn nhiều công ty Hàn Quốc, họ miễn phí 100% landtour (tour trọn gói không bao gồm chi phí máy bay, xe di chuyển đến điểm du lịch), thậm chí là chi ngược lại tiền hoa hồng cho đối tác Trung Quốc, vì khách Trung Quốc chi tiền mua mỹ phẩm rất nhiều. Chính điều này làm phát sinh tình trạng khá phức tạp là doanh nghiệp “ôm” khách, hướng dẫn viên “mua đầu” khách để chia chác về trong công ty.
Còn về tình trạng hướng dẫn viên “chui” không phải không có giải pháp, chúng ta có làm hay không thôi. Ở nước ngoài họ quy định rất nghiêm ngặt, ví dụ ở Thái Lan có quy định một khi đã thuê xe, chưa biết là đi đâu, làm gì phải có một hướng dẫn viên người Thái. Một khi kiểm tra xe mà không thấy có hợp đồng du lịch, không có danh sách khách hàng thì sẽ bị phạt rất nặng. Chúng ta có quy định, có luật nhưng chưa làm mạnh tay. Còn về phía doanh nghiệp, tôi thấy rõ ràng có xu hướng kinh doanh theo kiểu ôm đồm. Doanh nghiệp lữ hành nhưng “bao” cả nhà hàng, khách sạn, đồ lưu niệm, vận tải… thì làm sao có thể cam kết về dịch vụ và đảm bảo kinh doanh lành mạnh được. Mặt khác, trong khi doanh nghiệp Việt bị doanh nghiệp Trung Quốc o ép đủ bề, nội bộ doanh nghiệp Việt thì cạnh tranh nhau về giá đã dẫn đến mạnh ai người nấy làm, không ai chịu liên kết vì lợi ích chung.
Ông Nguyễn Mạnh Thức (Giám đốc Công ty Asia Eyes Travel)