Gần đây, thị trường tài chính VIệt Nam xuất hiện một loại hình mới – kết nối đầu tư ngang hàng hay cho vay ngang hàng, viết tắt là P2P. Nhằm cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích liên quan đến vấn đề này ở khía cạnh pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch của Công ty Luật SBLaw đã nghiên cứu khái quát về hoạt động cho vay ngang hàng, phân tích những lỗ hổng pháp lý tại Việt Nam và so sánh đối chiếu với pháp luật của các nước khác. Sau đây, SB Law xin trân trọng gửi tới bạn đọc toàn văn bài nghiên cứu như sau.
Khái quát về hoạt động cho vay ngang hàng
Cho vay ngang hàng (Peer-to-Peer Lending) là hoạt động thực hiện trên nền tảng công nghệ tài chính (Fintech) được thiết kế và xây dựng theo phương thức kết nối trực tiếp giữa người đi vay và người cho vay mà không thông qua các trung gian tài chính như tổ chức tín dụng. Theo đó, cho vay ngang hàng có sự tham gia của các bên: (i) Bên trung gian (nhà cung ứng dịch vụ/công nghệ/ứng dụng); (ii) Bên cho vay và (iii) Bên vay.
Hình thức này xuất hiện lần đầu tiên tại Anh vào năm 2005 và sau đó phát triển ra các nước khác, trong đó, châu Á là một trong các khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất. Các doanh nghiệp cho vay ngang hàng này đóng vai trò tương tự Grab, Uber trong thị trường tài chính, là “môi giới” giữa người vay và người cho vay. Những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này tại Việt Nam có thể kể đến Công ty cổ phần Lendbiz, VNVon hay Eloan, …
Hoạt động cho vay ngang hàng đem lại lợi ích đáng kể cho các bên tham gia. Các nhà đầu tư trong vai trò là người cho vay có thể sử dụng dòng tiền nhàn rỗi của mình để đa dạng hóa nguồn thu nhập. Thông qua nền tảng cho vay ngang hàng, các nhà đầu tư có thể đầu tư vào các khoản như: kinh doanh, thế chấp, dự án, khoản vay cá nhân… Tùy thuộc gói đầu tư mà nhà đầu tư sẽ nhận được mức lãi suất khác nhau nhưng thường sẽ hấp dẫn hơn nhiều so với các kênh truyền thống như gửi tiết kiệm ngân hàng.
Đối với bên vay – các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thường gặp khó khăn và tốn nhiều thời gian khi huy động vốn tại ngân hàng thì nay lại được tiếp cận với nguồn vốn nhanh chóng, thuận tiện hơn. Quy trình xử lý hồ sơ huy động vốn với P2P Lending cũng được rút ngắn, chỉ khoảng vài ngày.
Ngoài ra, hoạt động cho vay ngang hàng được thực hiện trên nền tảng số, nhà đầu tư không cần gặp mặt trực tiếp các cá nhân, doanh nghiệp mình cho vay nhưng vẫn có thể xác định được khả năng tài chính của họ đến đâu, từ đó đưa ra quyết định xem có cho vay hay không. Với đặc điểm này, các bên tham gia sẽ tiết kiệm thời gian và các chi phí phát sinh.
Những lỗ hổng còn bỏ ngỏ
Dù đã phát triển ở Việt Nam từ 2016 nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho mô hình này. Chính vì vậy mà việc kiểm soát, quản lý cũng chưa được thực hiện bài bản, chặt chẽ, xuất hiện nhiều hoạt động biến tướng.
Những công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng thường đăng ký ngành nghề kinh doanh là kinh doanh dịch vụ tư vấn tài chính do chưa có quy định về việc cấp phép cho các công ty P2P Lending. Thực tiễn ghi nhận có một số công ty cho vay ngang hàng là kênh phân phối, tìm kiếm khách hàng cho các công ty cầm đồ hay tín dụng đen, đưa ra quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn, cam kết lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn của người dân.
Bên cạnh đó, nhiều giao dịch cho vay không phải bằng tiền Việt Nam đồng mà bằng tiền ảo, tiền kỹ thuật số. Việc quản lý, giám sát trong những trường hợp này là rất khó khăn.
Hoàn thiện khung pháp lý từ kinh nghiệm quốc tế
Cho vay ngang hàng hiện đang là xu hướng mới của thế giới, được áp dụng ở nhiều quốc gia như Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ, …
Trong đó, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ở Châu Á phát triển mô hình cho vay ngang hàng. Và thị trường này đã phát triển vượt bậc nhưng cũng kéo theo không ít hệ lụy mà nguyên nhân xuất phát từ việc chính phủ Trung Quốc lúc bấy giờ cọi cho vay ngang hàng chỉ là “hệ thống trao đổi thông tin khoản vay” nên chưa chú trọng vào việc quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cho vay ngang hàng.
Nhiều vụ việc chủ sở hữu công ty lừa đảo nhà đầu tư rồi ôm tiền bỏ trốn hay người cho vay không tuân thủ giao dịch vay, … Những hệ lụy trên đã thúc đẩy Trung Quốc đề ra khung pháp lý để quản lý hoạt động này. Các biện pháp tăng cường kiểm soát đã được bổ sung như: Tăng hình thức phạt với các công ty P2P lừa đảo; thiết lập chương trình bồi dưỡng cho nhà đầu tư khi công ty P2P phá sản; Quy định giới hạn cho vay đối với cá nhân và doanh nghiệp, theo đó cá nhân được cho vay tối đa 1 triệu Nhân dân tệ và doanh nghiệp cho vay tối đa 5 triệu Nhân dân tệ, …
Singapore cũng là một trong những quốc gia phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Ngân hàng trung ương Singapore đã đưa ra một loạt yêu cầu đối với các bên tham gia mô hình cho vay ngang hàng. Theo đó, các công ty tham gia P2P Lending đều phải được kiểm định và cấp giấy phép dịch vụ thị trường vốn từ Ngân hàng trung ương mới được phép hoạt động; các công ty này không được tự quản lý tiền của nhà đầu tư mà phải gửi một đơn vị ký quỹ độc lập nhằm đề phòng trường hợp chính công ty cung cấp dịch vụ P2P Lending gặp rủi ro về tài chính.
Ở Việt Nam, dù hoạt động cho vay ngang hàng có thời gian tồn tại tương đối ngắn so với kênh truyền thống là ngân hàng nhưng cũng đã thể hiện tiềm năng vô cùng lớn của mình. Cần xác định rằng đây là sự phát triển tất yếu trong thị trường tài chính để từ đó, đề ra những quy định quản lý phù hợp.
Chúng ta có thể học hỏi theo kinh nghiệm của các nước đi trước như Trung Quốc hay Singapore trong việc quản lý hoạt động này.
Bước đầu tiên là chúng ta cho phép một số công ty thực hiện thí điểm mô hình này trong một thời gian với sự giám sát của ngân hàng nhà nước. Sau thời gian thử nghiệm, chúng ta sẽ tổ chức các buổi hội thảo, đánh giá rút kinh nghiệm và ban hành dần chính sách. Có thể ban đầu là một nghị định của chính phủ và dần nâng lên thành luật.
Trong văn bản pháp lý này,cần đặt ra các yêu cầu, điều kiện đối với các công ty muốn kinh doanh theo hình thức cho vay ngang hàng. Sau đó là các quy định về giới hạn vay, bảo mật thông tin đối với các bên tham gia, …
Việc không để các công ty cho vay ngang hàng quản lý tiền mà giao cho một quỹ độc lập như Singapore cũng là một phương án cần được cân nhắc để phòng ngừa các trường hợp biến tướng, lừa đảo, tín dụng đen nhưng lại nhận là công ty cho vay ngang hàng.
Nguồn ảnh: Báo Đầu tư