KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI QUY ĐỊNH VỀ ỦY QUYỀN CHO PHÁP NHÂN TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG

0
473

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW có gửi ý kiến kiến nghị sửa đổi quy định về ủy quyền cho pháp nhân gửi báo ANTĐ điện tử, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài viết này: 

Điều 143 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về Người đại diện theo uỷ quyền như sau: Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể uỷ quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Như vậy, theo quy định nêu trên, quan hệ ủy quyền là quan hệ giữa một bên ủy quyền và một bên được ủy quyền. Theo đó, bên ủy quyền gồm (1) cá nhân hoặc (2) người đại diện theo pháp luật của pháp nhân (tức cũng là một cá nhân).

Cũng theo quy định nêu trên, bên được ủy quyền là “người khác”. “Người khác” trên thực tế được thực hiện là một cá nhân.

Như vậy, thực tiễn thực hiện Bộ luật Dân sự năm 2005 trong thời gian qua chỉ xảy ra trường hợp (1) một cá nhân ủy quyền cho một cá nhân hoặc (1) một pháp nhân (người đại diện theo pháp luật của pháp nhân) ủy quyền cho một cá nhân trong pháp nhân đó (hoặc là một nhân sự thuộc biên chế của pháp nhân đó, thường là cấp phó hoặc một vị trí quản lý trong pháp nhân đó) hoặc một cá nhân bên ngoài pháp nhân đó.

Cũng trong thời gian vừa qua, tranh cãi về việc một pháp nhân ủy quyền cho một pháp nhân khác đã xảy ra khá phổ biến và chưa có hồi kết thúc, bởi quy định tại Điều 143 Bộ luật Dân sự quy định bên nhận ủy quyền là “người khác”. Mà “người” thì thông thường được hiểu là một cá nhân.

Theo quy định của Luật Luật sư thì một trong những ngành nghề kinh doanh thuộc chức năng của Công ty Luật, Văn phòng Luật sư là “đại diện ngoài tố tụng”. Tuy nhiên, khi thực hiện chức năng nêu trên, áp dụng đúng Điều 143 Bộ luật Dân sự thì bên nhận ủy quyền phải là cá nhân một luật sư chứ không phải danh nghĩa của Công ty Luật hay Văn phòng Luật sư nơi luật sư đó thuộc biên chế.

Mặt khác, trên thực tế thực hiện các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp (Pháp nhân) rất có nhu cầu ủy quyền cho một pháp nhân khác thực hiện một hoặc một số công việc vì lợi ích của doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, cái vướng của quy định về bên nhận ủy quyền là “người khác” của Điều 143 Bộ luật Dân sự đã cản trở các doanh nghiệp thực hiện việc ủy quyền từ doanh nghiệp này cho doanh nghiệp khác một cách trực tiếp.

Vì vậy, khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự năm 2005, tôi kiến nghị sửa đổi đối tượng được nhận ủy quyền bao gồm thể nhân và pháp nhân, từ đó pháp nhân sẽ chỉ định một cá nhân thuộc quyền quản lý của mình để thực hiện phạm vi ủy uyền.