Ký hợp đồng lao động thời vụ với người về hưu.

0
406

Doanh nghiệp hỏi: Công ty chúng tôi có 1 lái xe văn phòng đã đến tuổi về hưu, chú ấy vẫn muốn ký tiếp hợp đồng thời vụ với công ty.

Nhưng lái xe là lao động nặng nhọc, hạng mục 3 điều 167 bộ luật lao động cũng đề cập đến vấn đề này.

Nếu công ty chúng tôi tiếp tục ký HĐ thời vụ thì có được không ?

Mong luật sư SBLAW tư vấn cho chúng tôi?

Luật sư trả lời:  Theo quy định tại Khoản 3, Điều 167 Bộ luật lao động 2012 thì không được sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người lao động cao tuổi, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

Đối với các công việc khác, doanh nghiệp vẫn có thể ký hợp đồng lao động sử dụng người lao động cao tuổi với điều kiện thời gian làm việc hàng ngày được rút ngắn hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian (Khoản 2 Điều 166 Bộ luật lao động 2012).

Đồng thời, theo quy định tại Khoản 1, Điều 6, Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 1 năm 2015 thì trước khi ký hợp đồng lao động hoặc kéo dài thời hạn hợp đồng lao động với người cao tuổi, người lao động bắt buộc phải có chứng nhận đủ sức khỏe do cơ sở khám bệnh được thành lập theo quy định của pháp luật ban hành.

Đối với công việc lái xe, theo quy định tại Quyết định 1269/LĐTBXH-QĐ ngày 26 tháng 12 năm 1996 về việc ban hành tạm thời danh mục các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì đối với nghề lái xe văn phòng, chỉ có các công việc sau đây được xếp vào loại công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm:

– Lái xe ô tô chở khách từ 80 ghế trở lên – công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm;

– Lái xe vận tải từ 7 tấn đến dưới 20 tấn – công việc nặng nhọc nguy hiểm;

– Lái xe ô tô chở khách từ 40 ghế – công việc nặng nhọc nguy hiểm;

Do vậy, đối với các loại xe văn phòng khác, ngoài các loại xe trên thì doanh nghiệp vẫn có thể ký hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi.