Lãi suất và nợ xấu ngân hàng năm 2021 trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19

0
630

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những chia sẻ cá nhân về chuyển biến của lãi suất và nợ xấu ngân hàng trong năm 2021.

1, Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 gây tác động lớn đến tình hình kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực tài chính ngân hàng. Vậy theo ông, dự đoán lãi suất ngân hàng trong thời gian tới sẽ có những biến động như thế nào?

Trả lời:

Diễn biến Covid-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay đã gây ra những ảnh hưởng thiệt hại đến nền kinh tế, lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Tuy nhiên, nhờ có các ưu đãi của ngân hàng trung ương và sự hỗ trợ kịp thời của chính phủ cho doanh nghiệp mà các thiệt hại của ngành tài chính ngân hàng, so với phần còn lại của nền kinh tế, cũng nhẹ nhàng hơn.

Hiện nay, do lạm phát được kiểm soát và do các chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế trong thời kì dịch bệnh Covid-19, cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay của ngân hàng đều vẫn đang giữ ở mức thấp, ổn định so với thời điểm cuối năm 2020. Theo đó, lãi suất ngân hàng ở thời điểm sắp tới sẽ không có nhiều biến động mà giữ mức độ ổn định như hiện nay hoặc có thể thực hiện chính sách vĩ mô, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm và dẫn tới lãi xuất huy động cũng giảm theo.

2, Nguyên nhân do đâu dẫn đến sự biến lãi suất theo chiều hướng như vậy?

Trả lời:

Hiện tại, Việt Nam đang tiếp tục đối mặt với cơn bùng dịch bất ngờ, nếu Việt Nam có thể giữ vững phong độ kiểm soát dịch tốt như những lần trước đây, tạo điều kiện cho kinh tế hồi phục tích cực thì nhu cầu vay vốn sẽ tăng trở lại, Ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất theo cung cầu của thị trường; theo đó, lãi suất huy động sẽ được đẩy lên để thu hút tiền gửi, phục vụ nhu cầu cho vay.

Ngược lại, nếu nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid, có thể sẽ phải giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay cũng giảm theo để kích thích tăng trưởng kinh tế và khuyến khính doanh nghiệp đi vay để đầu tư.

Bên cạnh đó, các gói cứu trợ tiền tệ của các nước trên thế giới có thể gây ra áp lực lạm phát khiến lãi suất ngân hàng tăng. Tuy nhiên, những thay đổi này có lẽ sẽ diễn ra khoảng cuối năm nay, ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế vẫn mới đang trong giai đoạn ổn định lại nên lãi suất ngân hàng sẽ chưa có nhiều biến động.

3, Kinh tế ảnh hưởng, Doanh nghiệp, khách hàng của Ngân hàng cũng sẽ chao đảo. Liệu điều này có tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cho các ngân hàng trong thời gian tới hay không?

Trả lời:

Số doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại trong 4 tháng đầu năm 2021 là 6.744 doanh nghiệp, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này dẫn đến nhiều khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, và từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, gia tăng nợ xấu.

Nhiều ngành như nông, lâm nghiệp & thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục, cùng các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu và nguồn nguyên liệu nhập khẩu chính từ Trung Quốc… đều là những nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.

Những doanh nghiệp trong các lĩnh vực này chiếm lượng khá lớn trong số các khách hàng của các ngân hàng, do đó, nguy cơ gia tăng nợ xấu là khó tránh khỏi.

Tôi nghĩ, các ngân hàng thương mại đã có kịch bản cho những nhóm này, việc khoanh nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi covid là việc làm cần thiết.

4, Nguyên nhân và giải pháp cho ngân hàng trong thời gian tới là gì?

Trả lời:

Đại dịch Covid-19 bùng phát làm hàng hóa trở nên ách tắc, sản xuất kinh doanh đình trệ, hàng xuất đi không bán được hoặc nếu có đầu ra thì lại thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào do các thị trường nhập khẩu nguyên vật liệu đều dừng hoạt động, ảnh hưởng nặng nề tới doanh nghiệp.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2020 và năm 2021 vẫn rất khả quan, điều này phản ảnh một nghịch lý của nền kinh tế, doanh nghiệp khó khăn mà ngân hàng vẫn lãi to.

Vậy ngân hàng trong thời gian tới phải là người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp bằng các biện pháp linh hoạt như giảm lãi suất, khoanh nợ và giãn nợ để hỗ trợ doanh nghiêp.