Landmark Holding phải chịu những trách nhiệm gì với khách hàng?

0
624

1. Theo báo cáo tài chính 2018 (đã kiểm toán) của Landmark Holding, ngày 1/11/2017, CTCP Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình và Landmark Holding đã ký kết hợp đồng số 05/HĐUB – BĐ, theo đó Ba Đình ủy quyền cho LMH bán (thuê hoặc cho thuê mua) dự án Thành An Tower tại số 21 Lê văn Lương, gồm 327 căn hộ và khu thương mại. Đếm ngày 04/01/2018, 2 đơn vị này thanh lý hợp đồng, thay vào đó ký thỏa thuận mua bán số 05/TTMD – BĐ, số tiền LMH cần đặt cọc cho Ba Đình là 250 tỷ. Cũng theo báo cáo trên, tính đến cuối năm 2018, LMH đã thanh toán số tiền 211 tỷ cho Ba Đình, số tiền mà công ty này đã thu được từ khách hàng là 207 tỷ đồng. Mới đây, công ty Landmark Holding vừa đơn phương gửi thông báo đến khách hàng về việc rút khỏi dự án Thành An Tower, vậy theo quy định, Landmark Holding phải chịu những trách nhiệm gì đối với khách hàng? Khách hàng sẽ phải đối diện với những rủi ro gì nếu chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án không tìm được tiếng nói chung?
Trả lời:
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chọn cách uỷ quyền cho một đơn vị khác thay mình thực hiện các nghĩa vụ dự án. Tên gọi khác của đơn vị này là đơn vị phát triển dự án. Trong sự việc lần này, Landmark Holding đóng vai trò là đơn vị phát triển, thay mặt chủ đầu tư để cho thuê, bán nhà ở thuộc dự án Thành An Tower, đồng thời tiếp tục phát triển dự án, ký hợp đồng với khách hàng. Tuy nhiên, chính vì những đặc quyền này mà nhiều người lầm tưởng Landmark Holding là chủ đầu tư nhưng trên thực tế là không phải. Pháp luật hiện chưa có quy định cụ thể về đơn vị phát triển dự án nên trách nhiệm của đơn vị này chưa được quy định rõ ràng mà chỉ thông qua hợp đồng do 2 bên thoả thuận. Vì vậy, thực chất Công ty Ba Đình vẫn là chủ đầu tư và công ty này vẫn là bên trực tiếp làm việc với nhà thầu. Chủ đầu tư chịu mọi trách nhiệm toàn bộ pháp lý về chất lượng, tiến độ bàn giao của dự án. Họ có quyền kiểm tra, yêu cầu ngừng thi công khi có sự cố để đảm bảo chất lượng công trình. Bên có vai trò pháp lý đối với dự án vẫn là chủ đầu tư. Do đó, khi dự án chậm tiến độ thì các vấn đề pháp lý vẫn do chủ đầu tư chịu trách nhiệm với khách hàng.

Chính vì chưa có quy định cụ thể nên rủi ro đối với người mua nếu có tranh chấp xảy ra giữa chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án là rất lớn
Thứ nhất, khi xảy ra tranh chấp giữa hai bên thì tiến độ, chất lượng công việc sẽ không được diễn ra hiệu quả và người chịu thiệt ở đây không ai khác chính là khách hàng. Quyền lợi của họ bị ảnh hưởng nhưng không biết quy cho ai vì chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án sẽ luôn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, không ai chịu đứng ra giải quyết cho khách hàng

Thứ hai, người mua dễ dàng nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Họ có thể sẽ thấy yên tâm với đơn vị mình ký hợp đồng mua bán nhưng sau khi có tranh chấp mới được biết chủ đầu tư là ai.
Có thể thấy, hình thức này còn tiềm tàng vô cùng nhiều rủi ro mà pháp luật lại chưa quy định cụ thể khiến cho người chịu thiệt luôn luôn là người mua. Thiết nghĩ khi người dân mua nhà nên xem xét và phân biệt khái niệm giữa chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án, tìm hiểu kỹ các nội dung liên quan đến hợp đồng mua bán, kiểm tra về tư cách pháp nhân và nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ đầu tư trong hợp đồng trước khi ký kết hợp đồng và thực hiện thanh toán.